Fed có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:50, 26/07/2022
(BKTO)- Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất, bất chấp rủi ro suy thoái, trong bối cảnh vừa phải nỗ lực kìm hãm lạm phát vừa giữ đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC - Ảnh: AFP |
FED có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất
Theo kế hoạch, FED sẽ tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 27/7. Có nhiều ý kiến cho rằng trong kỳ họp lần này, FED có thể tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,75 điểm %, tương tự như đợt tăng lãi suất hồi tháng 6 vừa qua, nhằm giảm nhu cầu và sức ép lạm phát.
Theo quan điểm của FED, trong bối cảnh các hộ gia đình chật vật với giá khí đốt, thực phẩm và nhà ở tăng cao, việc kìm hãm lạm phát tăng là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này ngay cả khi chủ trương này gây ra những tác động không nhỏ.
Bất chấp thị trường lao động tại Mỹ khởi sắc khi tỷ lệ thất nghiệp đang thấp kỷ lục, mức tăng thu nhập của người dân nước này không theo kịp đà tăng của giá tiêu dùng. Lạm phát của Mỹ trong tháng 6 ghi nhận 9,1%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nền kinh tế phát triển chậm lại có thể khiến nhiều lao động mất việc làm hơn, trong khi đó các nhà hoạch định chính sách muốn bằng mọi cách tránh tác động lớn hơn của vòng xoáy giá cả.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng việc nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" cần tới yếu tố may mắn. Trong trả lời phỏng vấn với NBC, bà Yellen tái khẳng định dù tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, song các dữ liệu hiện nay không phải là chỉ dấu của một cuộc suy thoái. Theo bà, kinh tế Mỹ không hẳn sẽ tránh được một cuộc suy thoái, song có một lộ trình giúp duy trì thị trường lao động khởi sắc và giúp lạm phát giảm.
Hồi tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho hay Ủy ban thị trưởng mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED - sẽ cân nhắc mức tăng 0,5 điểm % hoặc 0,75 điểm % trong cuộc họp diễn ra vào tháng 7 này, trong khi hầu hết các nhà kinh tế học kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất với mức điều chỉnh tương đương như mức của hồi tháng 6.
Mới đây, ông Christopher Waller - thành viên Ban Thống đốc FED - đã đưa ý kiến với mức tăng mạnh, lên tới 1 điểm % - nếu xảy ra sẽ là lần đầu tiên FED tăng lãi suất ở mức này kể từ đầu những năm 1990. Ông Waller cũng lưu ý rằng điều quan trọng là không tăng lãi suất quá nhanh và chỉ nên cân nhắc mức tăng 1 điểm % khi giá cả không có dấu hiệu chững lại.
Bà Julie Smith, Giáo sư kinh tế thuộc trường Cao đẳng Lafayette, nhận định rằng FED có thể sẽ thảo luận tới phương án này do "bức tranh" lạm phát không mấy khả quan.
Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát
Lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua - Nguồn: Reuters |
Theo hãng tin Bloomberg, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ liên tục giảm tốc do Fed phải đẩy mạnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thị trường nhà đất suy yếu, các công ty công nghệ giảm tuyển dụng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Với tình trạng lạm phát duy trì ở mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ, các nhà phân tích cho rằng để giảm bớt áp lực giá, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ phải rơi vào tình trạng suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế do Bloomberg vừa thực hiện cho thấy khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 47,5%, cao hơn mức 30% của tháng Sáu. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng không ổn định được giá sẽ là “sai lầm lớn hơn” so với việc đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, theo tờ Financial Times, giá đồng USD tăng mạnh đã làm giảm hàng tỷ USD lợi nhuận của các công ty Mỹ. Giá trị đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua đã khiến nhiều công ty bị giảm lợi nhuận trong quý II/2022. Hiện IBM, Netflix, Johnson và Philip Morris là những công ty đã đưa ra cảnh báo giảm doanh số trong những tháng tới.
Số lượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng lên trong vài ngày tới khi những công ty công nghệ khổng lồ có nhiều hoạt động kinh doanh ở ngoài Mỹ như Apple, Alphabet, chủ sở hữu của Google và Microsoft công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý.
Cú sốc tiền tệ đã làm thay đổi các dự báo về thu nhập của doanh nghiệp và có thể làm suy yếu nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ gây áp lực lớn lên nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.
Fed đang thả nổi giá trị đồng USD với chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã ở mức đỉnh trong vòng 40 năm qua. Lãi suất vẫn đang được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các công ty Mỹ ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với đồng USD mạnh và lợi nhuận suy giảm, khiến các doanh nghiệp bị giảm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nội địa.
Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn tiếp tục khẳng định rằng họ có thể tránh được suy thoái và thực hiện “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Fed cho rằng nền kinh tế Mỹ có những sức mạnh tiềm ẩn và hy vọng lạm phát sẽ giảm nhanh chóng sau khi đã lên mức rất cao.
Nam Sơn