Kiên cố hóa trường, lớp học: Không để nơi thừa, nơi thiếu

Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 25/08/2016

(BKTO) - Chuẩn bị chonăm học mới, ngành Giáo dục và các địa phương đã tích cực huy động nguồn vốn đểtăng cường cơ sở vật chất trường lớp, phục vụ cho việc dạy và học. Huy động nguồnvốn đầu tư cho giáo dục đã khó, sử dụng nguồn vốn đó sao cho hiệu quả lại càngkhó hơn, bởi câu chuyện thất thoát, lãng phí tại các dự án đầu tư xây dựng trường,lớp học đã từng xảy ra.


Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn

Những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương luôn quan tâm đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm.

Một trong những chương trình tăng cường cơ sở vật chất trường lớp được Chính phủ chútrọng đầu tư là Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên (Đề án KCH) được triển khai thực hiệntừ năm 2002 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng việc thực hiện Đề án KCH giai đoạn 2008-2012 chỉ rõ, tính đến hết năm 2011, sốphòng học, nhà công vụ đãtriển khai xây dựng là 118.298 phòng, đạt 60,7% kế hoạch cả giai đoạn; số phòng học, nhà công vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 109.185 phòng, đạt 56% kếhoạch cả giai đoạn. Báo cáo kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006-2012, trong đó có Đề án KCH giai đoạn 2008-2012 cũng chỉ ra, việc triển khai Đề án KCH đã góp phần làm thay đổi diện mạo khó khăn về cơ sở vật chất ngành Giáo dục, đặc biệt là đối với giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.

Những kết quả trên là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai Đề án KCH; đồng thời lồng ghép kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án để tăng hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học...


Một trường học vùng cao huyện Bát Xát (Lào Cai) được xây dựng theoĐề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.Ảnh:NGUYỄN LỘC

Tại nhiều địa phương, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường học cho năm học mới cũng đang được tập trung hoàn thiện. UBND tỉnh Thanh Hóa đã trích hơn 250 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP để thực hiện Đề án KCH. Theo đó, từ năm 2016 đến quý I/2017, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 199 phòng học mầm non tại 7 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Năm học 2016-2017, tỉnh Đắk Lắk cũng đã đầu tư 146 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Với số kinh phí trên, tỉnh đã xây mới và sửa chữa 560 phòng học, công trình vệ sinh; mua sắm bàn ghế, trang thiết bị, dụng cụ dạy học. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã đầu tư hơn 125 tỷ đồng chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, trong đó xây mới trên 110 phòng học, gần 30 phòng chức năng, nâng cấp sửa chữa trên 200 điểm trường. Các tỉnh vùng 4 đã huy động được tổng số tiền trên21 tỷ đồng để làm lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh…

Tránh lãng phí…

Trong điều kiện hiện nay, việc phụ thuộc quá nhiều vào NSNN để đầu tư cơ sở vật chất sẽ không thể tạo đột phá phát triển giáo dục. Từ thực tế này, nhiều địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, nhân dân để đầu tư xây dựng, sửa chữa trường, lớp học và các điều kiện khác phục vụ việc dạy và học. Ngành Giáo dục đang thực hiện một số chương trình của Nhà nước đầu tư cho ba vùng có điều kiện kinh tế khó khăn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ; ngoài ra còn có nguồn vốn ODA đầu tư cho cấp trung học cơ sở vùng Tây Nguyên… Tuy nhiên, theo tính toán của ngành Giáo dục, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất trường học những năm qua vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh nỗi lo về nguồn vốn, thực tế triển khai xây dựng trường học theo tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới vừa qua đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh.Cụ thể, quy định các trường và điểm trường khi xây dựng đạt chuẩn quốc gia phải có đủ các phòng học, phòng chức năng nên nhiều trường sau khi được xây dựng khang trang, đầy đủ thì lại không sử dụng hết công năng, gây lãng phí tài sản, ngân sách trong lúc nhiều nơi khác thiếu trường lớp. Chưa kể, còn không ít sai phạm xảy ra trong quá trình thực hiện KCH trường, lớp, làm giảm hiệu quả của các nguồn lực đầu tư, như: kết quả thực hiện thấp so với mục tiêu đề ra, mặc dù kinh phí được cấp đủ theo yêu cầu; vi phạm quy định về thanh quyết toán; chi chưa đúng quy định...

Đa dạng hóa, đổi mới cách tiếp cận trong thu hút, huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục để bảo đảm cơ sở vật chất các trường học đủ chuẩn, hiện đại là cần thiết. Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), đối với những dự án do ngành Giáo dục quản lý, Bộ GD&ĐT đã có công văn đôn đốc các địa phương cần giám sát chặt chẽ quá trình thi công, nghiệm thu trước khi bàn giao để đảm bảo không xảy ra sai sót, tránh làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của nguồn lực đầu tư. Đây cũng là cách làm được Bộ quán triệt qua các giai đoạn triển khai Đề án KCH.

NGUYỄN LỘC