Cần tiếp tục hoàn thiện nội dung của những chính sách về Dầu khí

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 00:36, 01/08/2022

(BKTO) - Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh tại Hội thảo “Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí” vừa diễn ra tại Hà Nội.


                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: PVN

   

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã qua nhiều lần chỉnh sửa. Trong số 6 nhóm chính sách mà Dự thảo Luật đề cập đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút đầu tư và loại bỏ nhiều rào cản trong thu hút đầu tư; cũng như có những khung chính sách quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi, từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng cần cân nhắc, xem xét bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô thông qua hợp đồng dầu khí, như cần phải bổ sung thêm điều kiện ưu đãi - TS. Nguyễn Quốc Thập bày tỏ quan điểm.

Trong Luật Dầu khí cần phải đề cập đến đặc thù riêng của việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí để áp dụng trong thực tiễn một cách linh hoạt, phù hợp, bởi hầu hết các dự án tìm kiếm, thăm dò không sử dụng vốn trong nước; một số hoạt động nằm trong vùng nhạy cảm không thể đấu thầu quốc tế rộng rãi, chỉ đấu thầu trong nước; các hoạt động dầu khí chủ yếu nằm trong khu vực xa bờ; sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong một tổ hợp cần phải có sự dung hoà.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật cần có định nghĩa về khai thác tận thu trong hoạt động dầu khí; cần phải thực hiện theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nước chủ nhà…

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng nên thiết kế bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư để phòng trường hợp bị lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định.

Từ góc độ chuyên ngành, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam lưu ý, cần bổ sung vào trong Luật Dầu khí là: Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải xây dựng, trình cơ quan quản lý thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường; triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường sau khi được phê duyệt.

Đồng tình với quan điểm này, PGS,TS. Nguyễn Cảnh Nam - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, nên quy định cụ thể trong Luật vấn đề liên quan tới sự cố môi trường; đồng thời, cần chú trọng việc xây dựng Luật gắn liền với thực thi, giám sát.

Còn TS. Đoàn Văn Thuần - Viện Dầu khí Việt Nam nêu rõ, trước mắt, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) nên có điều khoản khuyến khích các nhà đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có thu và lưu giữ CO2 nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Để giảm phát thải CO2 cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp thu và sử dụng CO2 theo hướng trung tâm, kết hợp với các giải pháp giảm phát thải khác như sản xuất năng lượng xanh; sản xuất, tiêu thụ hydro…/.
P.KHANG