Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất

Chính trị - Ngày đăng : 00:50, 01/08/2022

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”.


                
   

Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Chính phủ

   

Đây là mong muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì cuộc đối thoại với Đại sứ Hàn Quốc và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ngày 30/7, tại Hà Nội.

Trước đó, Thủ tướng đã có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 9/2021 và tới nay, 25/29 đề xuất, kiến nghị đưa ra tại cuộc đối thoại đã được xử lý, nhất là các kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục tích cực nghiên cứu xử lý 4 đề xuất, kiến nghị còn lại.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại diễn ra tập trung, thiết thực, hiệu quả, trên tinh thần “Chính phủ luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng”.

Các kiến nghị tập trung vào các vấn đề như ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thời gian tới; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; thủ tục cấp phép lao động nước ngoài, đào tạo nhân lực, tuyển dụng nhân sự; thủ tục nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã qua sử dụng; việc phân phối bán các bản ghi âm, ghi hình tại Việt Nam và các hạn chế về đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp văn hóa; thủ tục đánh giá tác động môi trường; tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… và các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án cụ thể.

Tại cuộc làm việc, các Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan đã trả lời, làm rõ các kiến nghị, đề xuất.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có ảnh hưởng quan trọng ở châu Á, là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực.

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhanh, năng động, với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN và Đông Á; đầu tư vào Việt Nam cũng là tiếp cận với thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân.

Hai nước đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định RCEP và cùng hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Bên cạnh những thành tựu tốt đẹp của 30 năm hợp tác, tiềm năng và dư địa phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục hợp tác, chân thành, tin cậy, hiệu quả giữa hai bên. Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng...); có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị (tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam); thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Về thương mại, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); đồng thời, giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về phát triển năng lượng. Việt Nam khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết COP 26; chú trọng hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương; phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.

Về phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên của Việt Nam là phát triển công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo, tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.

Về những khó khăn, vướng mắc, một số vấn đề các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc nêu đã được giải đáp, xử lý trong buổi đối thoại. Những vấn đề khác, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu và sớm đưa ra biện pháp xử lý cụ thể./.
HỒNG NHUNG