Chấn chỉnh hoạt động lễ hội: Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”!

Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 05/03/2018

(BKTO) - Với quyết tâm chấn chỉnh, lập lại trật tự trong tổ chức lễ hội, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, thực chất để đưa lễ hội trở về đúng với những giá trị tốt đẹp trước đây.


Nghiêm cấm thương mại hóa lễ hội

Cụ thể, Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin về những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

Trước đó, Chỉ thị hỏa tốc được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm cũng nêu rõ: Thời gian qua, hoạt động tổ chức lễ hội vẫn còn biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số địa phương còn tùy tiện cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội, phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống.

Công tác tổ chức lễ hội phải đảm bảo tiết kiệm, văn minh và lành mạnh

Một số lễ hội tồn tại những tập tục cũ không phù hợp, gây phản cảm như: chém lợn, treo trâu; chen lấn xô đẩy để cướp lộc, cướp ấn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn yếu kém như đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ…

Trong các chuyến kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018 tại một số di tích, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, lễ hội truyền thống phải là nơi khơi dậy những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu và đặc biệt, phải tuyệt đối tránh tư tưởng vụ lợi, mưu cầu lợi ích vật chất.

Những chỉ đạo trên đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ trong việc chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lễ hội. Thực hiện chỉ đạo trên, trong mùa lễ hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý, cam kết các giải pháp khắc phục phù hợp, không nể nang né tránh.

Để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong việc quản lý lễ hội, ông Thiện cũng cho rằng, cần quy rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thuộc các cơ quan, đơn vị có liên quan; Bộ cũng sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng có các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Đừng như “ném đá ao bèo”

Cũng theo tư lệnh ngành VH,TT&DL, công tác quản lý lễ hội năm nay có nhiều đổi mới, được thể hiện ngay trong Hội nghị Triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, khi các nội dung tại Hội nghị được chia thành chuyên đề, các địa phương có điểm “nóng” phải “đăng đàn” với tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng.

Nhằm góp phần đưa lễ hội trở lại với những giá trị tốt đẹp trước đây, ngay từ đầu năm 2018, các cơ quan chức năng thuộc Bộ đã thanh tra, kiểm tra ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh hành vi sai phạm, tại các lễ hội lớn, như: hội Lim (Bắc Ninh), chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)…

Tranh cướp lễ, lộc, chém lợn phản cảm, hát quan họ “ngửa nón xin tiền”… là những điểm “nóng” được nhắc đến nhiều trong các mùa lễ hội trước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm nay, các địa phương từng để xảy ra hiện tượng xấu nêu trên đã cam kết hạn chế tối đa mọi hoạt động gây phản cảm, tạo dư luận xấu, cũng như triệt để xử lý các trường hợp, hành vi vi phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, thực tế cho thấy địa phương nào, chính quyền vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt, làm đúng cách thì ở đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao, hạn chế những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận, việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn không thể ngày một, ngày hai và mong muốn nhận được sự đồng lòng, ủng hộ loại bỏ tiêu cực từ phía người dân và xã hội, bởi chính người dân sẽ quyết định đến kết quả của việc làm trên.

Đơn cử như đề xuất hạn chế, loại bỏ việc đốt vàng mã tại di tích, Bộ VH,TT&DL cũng cho rằng đó là điều cần thiết, tránh lãng phí. Thế nhưng, việc bỏ đốt vàng mã cần hết sức thận trọng, bởi đây là tục lệ đã ăn sâu vào văn hóa của người dân từ hàng nghìn đời nay, chưa kể việc cấm này sẽ ảnh hưởng đến bộ phận người dân làng nghề làm vàng mã...

Còn GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, quản lý văn hóa, trong đó có lễ hội không thể cứng nhắc, bởi đó là tinh thần, tín ngưỡng tâm linh. Nói vậy không có nghĩa là buông bỏ trách nhiệm. “Điều mà dư luận mong chờ nhất, đó là sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cơ quan quản lý giúp chuyển biến tình hình chứ không phải lại “ném đá ao bèo” như bấy lâu” - GS. Thanh nhấn mạnh.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 01-03-2018