Thị trường bất động sản và nỗi lo “bong bóng”
Xã hội - Ngày đăng : 15:55, 25/08/2016
(BKTO) - Thời gian qua, thị trường bất động sản(BĐS) đã dần sôi động trở lại. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại đi kèm sựphục hồi, thị trường BĐS đã bắt đầu xuất hiện nhiều yếu tố, tiềm ẩn rủi ro dẫntới “bong bóng” BĐS nếu không được kịpthời kiểm soát, điều chỉnh.
Đến giữa năm 2017, có khả năng thị trường BĐS Việt Nam sẽ dư cung phân khúccăn hộ cao cấp.Ảnh: TK
Theo thông lệ quốc tế, có 5 yếu tố để thị trường BĐS rơi vào tình trạng “bong bóng” gồm: nền kinh tế phát triển nóng, tín dụng tăng trưởng cao, lệch pha phân khúc, xuất hiện ồ ạt các nhà đầu tư thứ cấp và số lượng giới đầu cơ lướt sóng tăng vọt.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay đã xuất hiện 2 yếu tố đang đe dọa đến sự bền vững của thị trường. Số lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp hiện nay đã tăng lên đáng kể so với các năm trước. Sự gia tăng này đẩy lượng giao dịch tăng lên nhưng cũng qua đó làm biến động giá nhà. Tình trạng lệch pha sang phân khúc cao cấp trên thị trường đã và đang xảy ra do thị trường hiện nay đang dư thừa các sản phẩm cao cấp, thiếu vắng các dự án căn hộ có giá rẻ và trung bình, phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Điều này khiến cho thị trường mất thăng bằng khi nguồn cung không đáp ứng được cầu thực của người tiêu dùng.
Tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng nhận định: Thị trường BĐS chưa có “bong bóng” nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vị lãnh đạo đầu ngành Xây dựng cũng nhấn mạnh, thị trường BĐS hiện nay có 3 yếu tố phải hết sức lưu ý: thị trường đang có sự lệch pha cao trong cung - cầu sản phẩm, phân khúc căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng có sự tăng trưởng nhiều hơn so với nguồn cung sản phẩm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ; tốc độ tăng dư nợ tín dụng và khối lượng tín dụng cho thị trường BĐS vẫn đang ở giới hạn an toàn, nhưng phần lớn tín dụng chỉ tập trung vào sản phẩm cao cấp hoặc chỉ tập trung vào một số nhà đầu tư dẫn tới khả năng lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như chúng ta không kiểm soát tốt các dự án và tình hình tài chính, khả năng thanh khoản, cân đối sản phẩm; giá nhiều dự án tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao hơn rất nhiều - đây là kết quả của đầu cơ, từ một số đơn vị bán hàng đẩy giá.
Phát triển nhà ở xã hội là giải pháp cơ bản
Đề xuất giải pháp cho sự mất cân đối cung - cầu, theo nhiều chuyên gia, giải pháp cơ bản nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Giải pháp này không chỉ giải quyết được bài toàn lệch pha cung cầu mà còn đáp ứng được một trong những nhu cầu lớn nhất của xã hội hiện tại.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: Phân khúc thị trường nhà ở thương mại phù hợp với sức mua chung của xã hội chưa bao giờ đóng băng. Do đó, nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp đang có sức mua tốt thì không lo nhiều đến “bong bóng” BĐS.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, hiện cơ quan này đã soạn thảo Dự thảo Đề án quản lý thị trường BĐS và chuẩn bị báo cáo Chính phủ. Trong Dự thảo này có nêu 6 giải pháp để góp phần kiểm soát tốt hơn thị trường BĐS như minh bạch hóa thông tin, bao gồm thông tin chủ đầu tư và thông tin dự án; nghiên cứu cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy vốn cho thị trường BĐS như thành lập các quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm nhà ở, tránh việc phụ thuộc vào ngân hàng. Đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong quản lý thị trường, nhất là đôn đốc các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, giảm thiểu thủ tục hành chính....
HOÀNG LONG