Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Kinh tế - Ngày đăng : 12:21, 03/08/2022
(BKTO) - Hiệu quả của chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình thế, giúp ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học (ĐH) nói riêng, giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh, mà còn được đo lường dựa trên những kết quả, những con số tiết kiệm trông thấy rõ, cũng như định hình tương lai của giáo dục ĐH. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình ngày càng có nhiều biến động, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà các trường không thể có lựa chọn khác tốt hơn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp mang lại lợi ích thiết thực cho nhà trường và người học. Ảnh minh họa |
Đo lường lợi ích của chuyển đổi số
Cùng với việc đẩy mạnh triển khai lộ trình “số hóa”, Chính phủ điện tử, lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trọng tâm là giáo dục ĐH cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Những kết quả quan trọng bước đầu đã minh chứng rất rõ những lợi ích có thể đo lường của việc chuyển đổi số.
Vừa qua, câu chuyện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn đã gây chú ý không chỉ đối với các cơ sở giáo dục ĐH, mà với nhiều lĩnh vực đang “phân vân” về định hướng chuyển đổi số.
Nói về lợi ích của chuyển đổi số trong trường học, đại diện nhà trường cho biết, việc trang bị các thiết bị, nền tảng công nghệ sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các trường, nhất là trong bối cảnh các trường ĐH quốc tế đang đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Vấn đề này một lần nữa được đề cập và phân tích kỹ hơn tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong giáo dục ĐH: Cách làm và hiệu quả” do Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây.
Nói về lợi ích của chuyển đổi số trong trường học, PGS,TS. Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, Trường là một trong những cơ sở đi tiên phong trong chuyển đổi số và đến nay, những nỗ lực này đã mang lại thành quả.
Nhờ tiết kiệm chi thường xuyên và cắt giảm chi phí từ in ấn, lưu trữ văn bản nay chuyển sang số hóa, chỉ tính riêng số lãi tiền gửi hàng năm phát sinh từ tiền tiết kiệm đã lên tới hàng tỷ đồng. Số tiền này được nhà trường dành để chi hỗ trợ sinh viên, đầu tư trở lại phát triển nhà trường.
Không dừng lại ở quy mô cấp trường, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực còn cho thấy sự gia tăng hợp tác giữa các cơ sở GD&ĐT, trong đó phải kể đến mô hình thư viện điện tử dùng chung có 45 trường ĐH tham gia, với 06 trường thành viên trong khối kinh tế, đầu mối là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Theo GS,TS. Phạm Thành Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhờ có mô hình đã giúp gia tăng số người học, giảng viên tiếp cận và được sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử; ứng dụng bài giảng điện tử trong quá trình đào tạo. “Nếu như trước đây, người đọc phải đến tận nơi chứa tài liệu mới được tiếp cận, thì nay, các tài liệu đã được số hóa, được liên thông giữa các thư viện trường nên giảng viên, sinh viên có thể khai thác tài liệu ở nhiều nơi khác nhau, chỉ cần có một tài khoản điện tử” - ông Chương cho biết.
Câu chuyện của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM hay mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện với sự tham gia của hàng chục cơ sở GD&ĐT chính là những minh chứng điển hình của việc chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà trường, người học.
Trước đó, báo cáo của tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế về “Triển vọng giáo dục số 2021” đã liệt kê hàng loạt lợi ích của việc ứng dụng các công nghệ thông minh, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối…, có khả năng tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học.
Nêu cụ thể về lợi ích của chuyển đổi số, trong đó có việc ứng dụng công nghệ để ngăn ngừa vấn đề nan giải của ngành giáo dục, đó là tình trạng gian lận bằng cấp, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến (Học viện Quản lý giáo dục) gợi mở, các cơ sở GD&ĐT có thể ứng dụng Công nghệ chuỗi khối, với tính năng cho phép xác thực về trình độ của một cá nhân nhanh chóng, chính xác cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể xác thực thông tin, dù ở các khu vực địa lý khác nhau. “Nhiều sáng kiến đang được thực hiện trên toàn thế giới, qua đó giúp các hệ thống giáo dục và học tập suốt đời thay đổi cách quản lý văn bằng và chứng chỉ” - ông Tiến cho biết.
Những lưu ý khi thực hiện chuyển đổi số
Với những lợi ích to lớn, được định lượng từ chuyển đổi số, giáo dục ĐH đang là lĩnh vực tiên phong thực hiện những thay đổi này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thực sự mang lại hiệu quả cao, đáp ứng kỳ vọng đặt ra đòi hỏi các trường phải tuân thủ các nguyên tắc, cũng như có sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện.
Là một trong những cơ sở đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, đại diện Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số, gồm: công nghệ; con người, học liệu, phương pháp học tập và cuối cùng là quản trị và chính sách; đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi số chỉ thực sự thành công, khi có sự triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các yếu tố trên.
TS. Văn Đình Ưng (Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam) nhận định, chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen; cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý. Từ nhận định này, đại diện Hiệp hội đề xuất một số việc cần triển khai, như: phải xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục; cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia; tiếp đó mới đến xây dựng các nhà trường thông minh.
Một số cơ sở giáo dục ĐH cũng đề nghị cần hình thành các kho học liệu trực tuyến; hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến phù hợp, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, vấn đề quản trị từ cơ quan quản lý đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ chuyển đổi số…
Trước đó, tại cuộc họp triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành.
Khẳng định chuyển đổi số giáo dục ĐH đang gặp thuận lợi, khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, song Bộ trưởng cho rằng, hạn chế trong tư duy, năng lực của một bộ phận trong ngành giáo dục, khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị, vấn đề tài chính… chính là những rào cản mà ngành giáo dục đang gặp phải. Do đó, trên hành trình chuyển đổi số, toàn Ngành cần quyết tâm loại bỏ các rào cản này để có thể bước những bước tiếp theo - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 xác định mục tiêu đến năm 2025 là: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; trong đó: 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% các nguồn lực khác phục vụ GD&ĐT được quản lý bằng hồ sơ số. |
N.LỘC