Thị trường lao động Việt Nam sẽ chuyển biến thế nào trong thời đại công nghiệp 4.0?
Đối nội - Ngày đăng : 14:10, 05/03/2018
(BKTO) - Tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội DOÃN MẬU DIỆP đã đưa ra một số đánh giá và nhận định về thị trường lao động của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới đây là những ý kiến của Thứ trưởng do phóng viên Đặc san Kiểm toán ghi lại.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0. Quá trình này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển, mang tới nhiều việc làm, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường lao động nước ta.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng chất lượng việc làm chưa cao
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường. Cung lao động có chất lượng cao hơn trước; cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực; thu nhập, tiền lương được cải thiện; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên... Năm 2017, nước ta đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% (năm 2010) xuống còn 40,4% .
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và đẩy mạnh công tác tạo việc làm cho người lao động, Việt Nam đã tích cực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, trong quý 2/2017 tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 34.852 người, gồm các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 57.424 lao động, tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2016.
Chất lượng lao động của nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập, còn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp; kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam chưa cao.
Hiện nay, nước ta vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Mặc dù cung lao động lớn nhưng không ít DN vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, không chỉ là lao động qua đào tạo mà cả với tuyển dụng lao động phổ thông.
Vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động cũng còn chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp. Nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và các ngành thâm dụng lao động (sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông).
Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm việc, lao động gia đình không hưởng lương và lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh không chính thức vẫn là ba nhóm lao động chủ đạo của nền kinh tế. Còn rất nhiều lao động làm công ăn lương chỉ có hợp đồng sơ sài, thậm chí là không có hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh ở những người có trình độ cao (từ đại học trở lên).
Có một thực tế là, so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tỷ lệ lao động thất nghiệp của Việt Nam đang ở mức thấp, tuy nhiên chất lượng việc làm lại chưa cao. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động là 2,26%; 53,5 triệu lao động có việc làm nhưng chỉ có 42% là người làm công ăn lương.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 57,1%; năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 3.853USD/lao động). Những con số này đã phản ánh thực trạng về thị trường lao động Việt Nam và đặt ra những vấn đề chủ yếu mà chúng ta cần phải giải quyết, đó là: cần nâng cao chất lượng việc làm của người lao động, tăng thời gian sử dụng lao động, tăng năng suất lao động.
Kỷ nguyên số sẽ làm biến đổi thị trường lao động
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số làm thay đổi thế giới, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xóa nhòa ranh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý, màu da, dân tộc; tạo ra một thế giới phẳng.
Theo đó, kỷ nguyên số cũng sẽ tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm. Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nên sẽ có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, năng động, ham học hỏi và có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới. Nếu như chúng ta tổ chức công tác đào tạo tốt hơn thì hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội từ CMCN 4.0. Tại Đối thoại cấp cao APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, 21 lãnh đạo các nước thành viên APEC đều đồng ý rằng, điều quan trọng nhất là trang bị kỹ năng để người lao động thích ứng được với công việc mới.
Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bởi nền tảng, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực của nước ta còn hạn chế. Trong bối cảnh như hiện nay, nguồn lao động giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm; 46 triệu lao động (lao động chưa qua đào tạo) đang đứng trước nguy cơ không có cơ hội làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Chúng ta cũng đang thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là trong một số ngành, lĩnh vực chủ lực của thời kỳ kỷ nguyên số như bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin...
Thị trường lao động sẽ có những chuyển biến tích cực
Phát triển thị trường và hỗ trợ cho người lao động là việc làm không đơn giản, cần phải có thời gian lâu dài. Giai đoạn trước mắt, các chính sách cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Đầu tiên, người lao động cần được tạo cơ hội để có công việc lâu dài và làm trong khu vực chính thức. Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phải tổ chức tốt hơn hoạt động của hệ thống trung tâm hỗ trợ việc làm, với nhiệm vụ chính là: thông tin kịp thời về thị trường lao động, có danh mục đầy đủ về những ngành, nghề, DN cần tuyển người, từ đó tư vấn, hướng nghiệp tốt hơn cho người lao động.
Hai là, triển khai tốt hơn các chính sách từ Quỹ hỗ trợ việc làm. Thực tế, Quỹ hỗ trợ việc làm đã hoạt động từ năm 1992 và đến nay tổng nguồn quỹ có hơn 4.000 tỷ đồng. Mỗi năm, chúng ta có hơn 100 nghìn lao động được hỗ trợ từ Quỹ này.
Ba là, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lao động tìm kiếm thị trường và việc làm ngoài nước.
Bốn là, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt hơn công tác đào tạo, hỗ trợ người lao động trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết thích ứng với nhu cầu thị trường trong thời kỳ kỷ nguyên số.
Một trong những vấn đề Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chú trọng thực hiện trong thời gian qua là công tác dự báo và đánh giá thị trường lao động. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động; trong đó nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các vấn đề như: quy mô, chất lượng của lực lượng lao động; xu hướng việc làm; việc làm phi chính thức; chuyển dịch lao động trên thị trường; thất nghiệp; năng suất lao động; thị trường lao động khu vực ven biển; đối tượng và xu hướng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; việc làm thanh niên; tác động của hội nhập quốc tế đến thị trường lao động…
Cùng với đó, Bộ cũng đã có nhiều sản phẩm hữu ích như: Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam (xuất bản hằng năm); Báo cáo đánh giá sự dịch chuyển vị thế của người lao động trên thị trường lao động hậu WTO; Báo cáo Phân tích tình hình sử dụng lao động và dự báo cầu lao động trong các DN Việt Nam; Báo cáo Nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh các hợp tác khu vực ASEAN về kinh tế và lao động; Báo cáo phân tích, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đối với thị trường lao động Việt Nam…
Những ấn phẩm này đã cung cấp kịp thời các thông tin về xu hướng, biến động của thị trường lao động trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai, được các độc giả đánh giá cao về chất lượng cũng như sự đa dạng, phong phú của nội dung được đề cập trong các ấn phẩm. Đồng thời, những thông tin trên cũng là cơ sở khoa học để cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có những điều chỉnh về chính sách, các giải pháp can thiệp vào thị trường lao động một cách hợp lý và hiệu quả…
Trong thời gian tới, cơ cấu lao động của Việt Nam sẽ có sự chuyển biến đáng kể, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm xuống từ hơn 40% còn 35%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sẽ tăng lên và chiếm khoảng 60-70%. Hy vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 50% lao động được làm công ăn lương, hưởng đầy đủ chế độ, chính sách trong khu vực phi kết cấu (nông, lâm, ngư nghiệp và lao động tự do - nơi người lao động không có hợp đồng lao động)…
Ngoài ra, với một loạt các chỉ đạo mới của Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực. Ví dụ như: những chính sách mới về bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Thực tế, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những công cụ để quản trị thị trường lao động, nó không chỉ cung cấp một phần thu nhập khi người lao động mất việc, mà quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường, hỗ trợ người lao động để không bị DN sa thải… Việc Chính phủ quan tâm và sửa đổi một số chính sách trong thời gian tới sẽ làm tăng số lượng lao động khi thị trường mở rộng.
NGUYỄN LY (ghi)
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018