Kinh nghiệm kiểm toán công tác xử lý nợ xấu ngoại bảng tại các ngân hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:06, 04/08/2022
(BKTO) - Những năm gần đây, nhiều sai phạm liên quan tới công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu ngoại bảng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc hoàn thiện hệ thống thủ tục kiểm toán công tác xử lý nợ xấu ngoài bảng cân đối kế toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như tránh các rủi ro khi kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của NHTM.
Kiểm toán báo cáo tài chính tại các ngân hàng thương mại là một trong những hoạt động thường xuyên của KTNN. Ảnh tư liệu
Kiểm toán BCTC tại các NHTM là một trong những hoạt động thường xuyên của KTNN. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc kiểm toán này đều tập trung vào các chỉ tiêu tài sản - nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán (chỉ tiêu nội bảng). Trong khi đó, một phần không nhỏ tài sản của các ngân hàng được để ở ngoài bảng cân đối kế toán (chỉ tiêu ngoại bảng), đặc biệt là các khoản nợ xấu đã được ngân hàng sử dụng vốn tự có để bù đắp, tự theo dõi ngoài bảng cân đối, tự thu hồi nợ. Đây là nội dung cũng cần lưu ý trong quá trình kiểm toán NHTM.
Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ
Theo ThS. Nguyễn Hữu Hằng Phú, ThS. Đỗ Thị Thu Trang (KTNN chuyên ngành VII), ngay từ giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) cần nghiên cứu hệ thống kiểm soát nội bộ thông qua các bằng chứng thu thập được để đánh giá mức độ rủi ro kiểm soát (mức độ cao, trung bình hoặc thấp), từ đó, xác định mục tiêu, phạm vi và cách thức kiểm tra chi tiết nghiệp vụ và số dư tài khoản. Đây là cơ sở để KTV xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết và chương trình kiểm toán.
Đối với xử lý, thu hồi nợ đã xử lý tại NHTM, Tổ khảo sát cần thu thập các văn bản quy định về trình tự, thẩm quyền xử lý rủi ro của ngân hàng, các báo cáo về các khoản vay được xử lý trong năm, nợ đã xử lý rủi ro được thu hồi trong niên độ kiểm toán… Qua đó, KTV phân tích và đánh giá rủi ro đối với hoạt động xử lý nợ, khoanh vùng rủi ro với các khoản vay, đơn vị quản lý khoản vay có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro. Đây là bước quan trọng để xác định trọng tâm kiểm toán khi xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Các KTV cần lưu ý, việc kế thừa những kết quả, dữ liệu từ đợt kiểm toán trước là rất cần thiết, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vừa giúp KTV tham khảo, tích lũy kinh nghiệm trước mỗi cuộc kiểm toán. Vì vậy, KTNN cần xây dựng hệ thống thông tin về các NHTM và kết quả kiểm toán sẽ phải liên tục được cập nhật theo những thay đổi, biến động của khách thể kiểm toán.
Thu thập đầy đủ thông tin và tích lũy bằng chứng kiểm toán
Để nâng cao chất lượng của giai đoạn thực hiện kiểm toán, bước nghiên cứu, đánh giá thông tin về NHTM phải được chú trọng. Các nội dung cần nghiên cứu, đánh giá bao gồm: Thông tin cơ bản về đơn vị, thông tin tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin khác có liên quan. Tổ chức thực hiện kiểm toán BCTC tại NHTM chủ yếu phải dựa vào kế hoạch kiểm toán và đề cương kiểm toán đã được duyệt để phân công, bố trí lực lượng KTV trong đoàn.
KTV căn cứ các nội dung kiểm toán để xác định kỹ thuật thu thập bằng chứng thích hợp… Trong thiết kế chương trình kiểm toán chi tiết lĩnh vực ngân hàng, KTNN nên có chương trình kiểm toán mẫu và bố trí ở phần phụ lục hướng dẫn kèm theo để KTV có thể tham khảo khi lập chương trình kiểm toán chi tiết.
Sau khi thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản, KTV cần xem xét quy định pháp lý và các quy định khác để đánh giá tính tuân thủ trong việc chấp hành luật pháp của đơn vị được kiểm toán, cụ thể: Các chính sách kế toán áp dụng cho năm trước; các giao dịch của năm trước; môi trường pháp lý mà DN đang hoạt động; các biện pháp ban lãnh đạo sử dụng để đảm bảo không có các vi phạm; các văn bản giao dịch với luật sư, cơ quan chức năng, văn bản pháp lý và quy định khác…
Trong quá trình kiểm toán, KTV phải thường xuyên ghi chép, tập hợp đầy đủ nhận định về các nghiệp vụ, con số, sự kiện… nhằm tích lũy bằng chứng, nhận định những kết luận kiểm toán và loại trừ những nhận xét ban đầu không chính xác về nghiệp vụ, các sự kiện thuộc đối tượng kiểm toán. Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán là “xương sống” của hồ sơ kiểm toán nhưng chưa đủ đối với yêu cầu cho một cuộc kiểm toán cụ thể. Bởi vậy, các KTV phải tự phát huy khả năng, dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp để thu thập và ghi chép các tài liệu một cách khoa học và hợp lý. Đối với nghiệp vụ xử lý, thu hồi nợ đã xử lý của NHTM, KTV cần nắm vững nguyên tắc của hoạt động này là “minh bạch, rõ ràng, dựa trên việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật”. Thông thường, nghiệp vụ này sẽ được thực hiện ở hội sở chính NHTM và chi nhánh trực tiếp cho vay.
Trong đó, tại hội sở chính, KTV cần thu thập đầy đủ các quy định nội bộ của ngân hàng liên quan tới quy trình phân loại nợ, quy định về xử lý nợ bằng nguồn quỹ dự phòng rủi ro và đặc biệt là quy định về thu hồi nợ đã xử lý bằng các hình thức phát mại tài sản. Các trường hợp không tuân thủ quy trình trên sẽ dễ dẫn tới rủi ro tài sản bị bán với giá thấp hơn giá thị trường và gây thiệt hại cho ngân hàng.
Tại các chi nhánh, nếu ngân hàng để chi nhánh tiếp tục theo dõi hồ sơ nợ sau khi xử lý, KTV cần thu thập đầy đủ hồ sơ từ khi thẩm định cho vay, giải ngân, theo dõi sau cho vay, đôn đốc thu hồi khi phát sinh nợ xấu, tới khi được duyệt xử lý nợ bằng nguồn dự phòng. Từ đó, KTV làm rõ trách nhiệm xảy ra nợ xấu thuộc về khâu nào trong quy trình cấp tín dụng của ngân hàng, có thể kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân nếu có bằng chứng cho thấy cá nhân chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình so với quy định./.
Theo nhóm tác giả, để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán các NHTM cũng như chất lượng kiểm tra kết luận, kiến nghị kiểm toán, KTNN cần lựa chọn, bố trí nhân sự có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm phụ trách công tác lập báo cáo, đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra nhằm phát hiện các sai sót. Nhân sự của tổ kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nên là những người đã thực hiện kiểm toán và có liên quan đến vấn đề mà đoàn kiểm toán kiến nghị đơn vị phải thực hiện. |
THÙY LÊ