Cuộc cách mạng sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện nghiệp vụ kế toán và kiểm toán
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:20, 05/03/2018
(BKTO) - Ông ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trả lời phỏng vấn của Đặc san Kiểm toán.
Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được nhận định là sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành kế toán - kiểm toán. Theo quan điểm của ông, sự thay đổi đối với ngành kế toán - kiểm toán sẽ thể hiện rõ nhất ở phương diện nào?
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng giữa các quốc gia sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc lưu thông hàng hóa và tự do chuyển dịch các luồng tài chính. Điều đó đòi hỏi các thông tin tài chính không chỉ được trình bày theo chuẩn mực của quốc gia mà còn phải tuân thủ chuẩn mực của khu vực cũng như của quốc tế để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy.
Ông ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam |
Cuộc cách mạng công nghiệp này còn dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán và kiểm toán.
Do đó, cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán và kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Kế toán viên sẽ không còn mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải quan tâm đến việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực.
Để đáp ứng được yêu cầu đó của thời đại mới, vấn đề nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán cần được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Rõ ràng là những yêu cầu từ việc hội nhập và cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi các chương trình, nội dung cũng như phương pháp đào tạo cử nhân kế toán - kiểm toán ở trường đại học phải có sự đổi mới rất căn bản. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng này để từ đó đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo.
Cử nhân kế toán - kiểm toán là những chuyên gia tài chính, họ không chỉ có vai trò tổ chức hệ thống thông tin kinh tế, tài chính mà còn có chức năng phân tích, đánh giá thông tin phục vụ yêu cầu quản trị kinh doanh và tư vấn tài chính. Vì vậy, các cử nhân kế toán - kiểm toán vừa phải có kiến thức chuyên nghiệp về tài chính, kế toán, kiểm toán, vừa phải được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, nhất là kỹ năng xử lý thông tin và trình bày báo cáo tài chính.
Chúng ta cần thảo luận, chọn lựa một lộ trình phù hợp để đưa Chuẩn mực báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) thành môn học (hoặc một học phần) vào các trường đào tạo kế toán - kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho sinh viên và đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phương pháp giảng dạy môn học kế toán - kiểm toán phải được thay đổi căn bản. Bài giảng phải là bài thuyết trình. Thuyết trình không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức, thông tin khoa học mà phải tạo ra môi trường học tập hứng thú, khuyến khích người học tư duy. Trên bình diện lớn hơn, giảng viên phải lôi cuốn và khích lệ sinh viên vào các hoạt động tự nghiên cứu thông qua những cuộc thảo luận về các tình huống đã gặp.
Cần ứng dụng mô hình kế toán ảo về hoạt động kinh tế, vừa mang tính mô phỏng vừa mang tính kỹ năng để sinh viên rèn luyện. Khi các phần mềm, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, các tính toán, luân chuyển và ghi chép thông tin trên mẫu biểu đã được chương trình hóa và tự động hóa thì phải từng bước từ bỏ phương pháp giảng dạy kế toán - kiểm toán theo chế độ cũng như theo xử lý nghiệp vụ mang tính thủ công.
Liên quan đến vấn đề chất lượng nhân lực kế toán - kiểm toán, ông so sánh như thế nào về tay nghề của các kiểm toán viên (KTV) có chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế và các KTV chỉ có bằng cấp chuyên môn? Các chứng chỉ quốc tế liệu đã phải là bảo chứng nghề nghiệp cho các KTV trong quá trình hành nghề hay chưa, thưa ông?
Các tổ chức nghề nghiệp kế toán đang có văn phòng đại diện hoạt động ở Việt Nam như ACCA, ICAEW, CPA Australia… đều là các tổ chức nghề nghiệp của các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cung cấp dịch vụ cũng như hoạt động đào tạo.
Chương trình đào tạo và thi để cấp chứng chỉ của họ đã được chuẩn hóa với các mức độ khác nhau đối với từng loại chứng chỉ nghề nghiệp. Vì vậy, chứng chỉ của các tổ chức này được thừa nhận ở nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực châu Á, nhưng nó vẫn là chứng chỉ nghề nghiệp. Nước ta cũng đã thừa nhận các chứng chỉ này ở mức độ nhất định và đó là một trong những điều kiện để miễn thi một số môn khi các cá nhân muốn lấy chứng chỉ kế toán viên, KTV hành nghề của Việt Nam.
Theo thỏa thuận giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước sẽ thừa nhận chứng chỉ lẫn nhau theo những tiêu chí nhất định. Đến khi đó, chứng chỉ nghề nghiệp của nước khác trong khu vực Đông Nam Á mới có thể được thừa nhận hành nghề ở nước sở tại.
Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng và việc so chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp, dù là tổ chức nghề nghiệp mang tính quốc tế với các chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn mang tính quốc gia cũng như vậy. Mỗi chứng chỉ nghề nghiệp đều chứng minh một trình độ nghề nghiệp nhất định, có giá trị nhất định và có phạm vi lưu hành nhất định. Trình độ và năng lực chuyên môn, đặc biệt là trình độ, năng lực nghiệp vụ, năng lực nghề nghiệp cần được đo lường bằng thang đo và thước đo khác. Ví dụ, thang đo để đánh giá trình độ và năng lực của KTV nhà nước là: KTV cao cấp, KTV chính và KTV…
Ông có dự báo gì về xu hướng tuyển dụng KTV của các công ty kiểm toán độc lập trong thời gian tới?
Như tôi đã nói ở trên, bối cảnh mới sẽ yêu cầu các thông tin tài chính phải được minh bạch, công khai với mức độ ngày càng cao. Đây không chỉ là đòi hỏi cấp thiết của một nền kinh tế cạnh tranh, đa sở hữu mà còn là yêu cầu của một nền kinh tế, một thị trường tài chính lành mạnh và sôi động. Việt Nam có hơn 90 triệu dân, với gần một triệu DN, trong đó có hàng chục nghìn công ty đại chúng, công ty tham gia trực tiếp trên thị trường tài chính nhưng mới chỉ có vài trăm công ty dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán với vài nghìn kế toán viên, KTV. Con số này quá ít so với nhu cầu. Do vậy, nhu cầu về kế toán viên, KTV là rất lớn và việc phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán là một đòi hỏi và cũng là một xu thế tất yếu trong tương lai.
Việc làm đầu tiên và cấp bách hiện nay là cơ quan chức năng phải sớm chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa và chính thức hóa chứng chỉ nghề nghiệp kế toán - kiểm toán của Việt Nam cho phù hợp với chuẩn mực đào tạo nghề nghiệp quốc tế. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đang triển khai tích cực đề án này, đồng thời đang chờ đợi và sẵn sàng tiếp nhận sự chuyển giao từ Bộ Tài chính về vấn đề tổ chức thi cũng như cấp chứng chỉ nghề nghiệp kế toán cho kế toán viên, KTV.
Theo ông, trong bối cảnh CMCN 4.0 đang đến với ngành kế toán - kiểm toán một cách mạnh mẽ, KTNN Việt Nam sẽ chịu sự tác động như thế nào?
Hoạt động kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng đều là thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính do kế toán xử lý và cung cấp. Vì vậy, sự thay đổi của quy trình, thủ tục xử lý, tổng hợp thông tin cũng như việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng đòi hỏi ngành KTNN phải đổi mới rất căn bản về chu trình kiểm toán cũng như việc vận dụng các phương pháp kiểm toán.
KTNN cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và vận hành các chu trình kiểm toán, các quy trình xử lý, tổng hợp thông tin kế toán cho phù hợp với thông tin trên báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và Việt Nam (VFRS). Đồng thời, KTNN cũng phải chủ động xây dựng các chương trình kiểm toán, các phần mềm kiểm toán thích ứng với từng phương thức kiểm toán, từng đối tượng và mục tiêu kiểm toán.
Nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật trong bối cảnh tác động của CMCN 4.0. Đặc biệt là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây…
Các KTV của KTNN cần được đào tạo, bồi dưỡng để nắm chắc chu trình, chương trình kiểm toán mới thiết lập trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số; phải sử dụng thành thạo các phần mềm kiểm toán, hiểu rõ quy trình xử lý cũng như cách tổng hợp thông tin kế toán, cách lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính trong bối cảnh công nghệ số.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cuộc CMCN 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán và kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa. Kế toán viên sẽ không còn mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải quan tâm đến việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực. |
THU HƯỜNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 68ra tháng 02/2018
Theo Đặc san Kiểm toán số 68ra tháng 02/2018