Đẩy mạnh tự chủ là xu thế tất yếu, là “sống còn” đối với mỗi cơ sở đại học

Chính trị - Ngày đăng : 00:35, 09/08/2022

(BKTO) - Tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống GDĐH, đồng thời giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Xác định rõ vai trò quan trọng của tự chủ ĐH, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đều cho rằng, đẩy mạnh tự chủ GDĐH là xu thế tất yếu, là yếu tố sống còn đối với mỗi cơ sở GDĐH.


                
   

Tự chủ ĐH góp phần mang đến chất lượng đào tạo cao hơn. Ảnh: N.LỘC

   

Những điểm sáng của tự chủ đại học

Nhấn mạnh tự chủ ĐH đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống GDĐH nói chung và các cơ sở GDĐH công lập nói riêng, các chuyên gia giáo dục cho rằng, một số mô hình tự chủ ĐH đã dần được định hình; tự chủ ĐH thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn. Từ chỗ không có trường ĐH nào của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng, đã xuất hiện nhiều hơn các trường ĐH của Việt Nam.

Từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nhờ có tự chủ, các trường ĐH đều tăng nguồn thu trung bình so với trước khi tự chủ. Hiện có 32,76% trường ĐH công lập đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên.
         
Hiện, cả nước có 5 trường ĐH có tổng thu trên 1 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó có tới 3 trường ĐH công lập, gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM. Đây cũng là những trường có chất lượng đào tạo được đánh giá cao, tạo dựng được uy tín với xã hội, người học.

Trong tốp 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường ĐH thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập, 1 trường ĐH công lập tự chủ (Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP. HCM) và 4 trường ĐH tư thục.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

   

Dẫn kết quả khảo sát gần đây về đánh giá đối với tự chủ ĐH, PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết, khoảng 90% trường tham gia khảo sát nhận định các chính sách về tự chủ, quy chế tài chính và chi tiêu nội bộ thuận lợi trong triển khai và mang lại tác động tích cực cho các trường. 85% trường khẳng định đã thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo thuận lợi. “Những kết quả trên đạt được là nhờ việc đa phần các trường tích cực triển khai tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng” – bà Thủy nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức về tự chủ đại học

Khẳng định những kết quả quan trọng mà tự chủ ĐH mang lại, cũng như nhận diện rõ các thách thức, yêu cầu nâng cao nhận thức về tự chủ ĐH cũng chính là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị Tự chủ ĐH năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 04/8.

Là một trong những cơ sở ĐH hàng đầu của các nước đã thực hiện tự chủ tương đối thành công và mang lại nhiều kết quả, PGS,TS. Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nêu kinh nghiệm, “chìa khóa” để thành công trong tự chủ ĐH là các cơ sở GDĐH cần phải có nhận thức đúng đắn về tự chủ ĐH.

Theo đó, các cơ sở GDĐH cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị ĐH. Tùy vào tình hình cụ thể mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tự chủ ĐH là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Do đó, thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động tự chủ ĐH sẽ dẫn dắt hành trình bứt phá của GDĐH. Trong giai đoạn 5 năm tới, định hướng trọng tâm của ngành giáo dục là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ ĐH theo chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Các hoạt động cụ thể gồm: thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ ĐH; rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan; triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách đối với GDĐH….
                
   

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

   

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, quá trình thực hiện tự chủ ĐH là một chặng đường đổi mới rất dài, "không chỉ có hoa hồng" mà còn nhiều chông gai, gian khổ, phía trước còn nhiều khó khăn. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần thống nhất nhận thức, hành động để tháo gỡ khó khăn đó.

“Thực tiễn cho thấy, đổi mới giáo dục, trong đó có GDĐH phải theo đúng xu thế quốc tế, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, một nước đang phát triển thu nhập thấp, khác biệt về văn hóa, truyền thống, nhất là phải phù hợp với thể chế chính trị của đất nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại 4 mục tiêu quan trọng khi thực hiện tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược được đề cập trong Báo cáo chính trị của Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận GDĐH ở chất lượng cao;sử dụng tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực tài chính (sử dụng hiệu quả đầu tư từ NSNN, thu hút nhiều hơn đầu tư của DN vào các trường ĐH công lập).

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thay đổi mô hình quản trị ĐH theo hướng tiên tiến, hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học và văn hóa, từ đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi thẩm quyền thực hiện xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, gây khó khăn cho thực hiện tự chủ của các trường. Đối vớikhó khăn về cơ chế tài chính, Bộ cùng Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, các trường ĐH phải chủ động nghiên cứu từ đó kiến nghị cụ thể, không chỉ kêu vướng chung chung.
N.LỘC