Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:21, 10/08/2022
(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có Văn bản số 5520/BKHĐT-QLĐT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Nhiều gói thầu trong dự án hạ tầng giao thông được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Ảnh: chinhphu.vn |
Theo hướng dẫn của Bộ KHĐT về quy trình, thủ tục chỉ định thầu đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.
Chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm thực hiện quy trình chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Thủ tục chỉ định thầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Theo quy định tại điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, quy trình chỉ định thầu thông thường gồm 5 bước: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu; Hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Trường hợp cần chỉnh sửa các quy định nêu trong mẫu hồ sơ yêu cầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/02/2015 và Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ KHĐT, đảm bảo việc chỉnh sửa đó không trái với quy định của pháp luật về đầu thầu.
Trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, trường hợp có vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, các Bộ, ngành, địa phương báo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc gửi Bộ KHĐT để hướng dẫn theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ./.
PHÚC KHANG