Cần quy định rõ các trường hợp phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong luật
Chính trị - Ngày đăng : 15:20, 10/08/2022
(BKTO) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Góp ý cho Hồ sơ này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong Luật.
Theo VCCI, sửađổi Luật Khoáng sản cầnlàm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản -Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Theo VCCI, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một nội dung mang tính đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010, tuy nhiên, thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 của Bộ TN&MT, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394 giấy phép trên tổng số4.279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá, chiếm tỷ lệ 9,2%. Đây là những tỷ lệ rất thấp cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin - cho”.
Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế, giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ TN&MT cấp cao hơn giá khởi điểm 76%. Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.
VCCI cho rằng, một phần nguyên nhân của thực trạng trên nằm trong chính các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Cụ thể, tại Điều 78 Luật Khoáng sản đã không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá, mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này dẫn đến tình trạng các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng và thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản được xếp vào diện không đấu giá.
Do đó, VCCI kiếnnghị việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung vào việc làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong Luật. Theo đó, định hướng là mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng rất hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo có đề xuất thẩm quyền xác định khu vực không đấu giá nên chuyển cho Bộ TN&MT thay vì để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như hiện nay, với lý do tránh quá nhiều việc trình lên Thủ tướng.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, nguyên nhân của việc phải trình nhiều văn bản lên Thủ tướng như phân tích ở trênlà do tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng, nếu giảm được tiêu chí này thì sẽ khắc phục được vấn đề trên. Ngoài ra, việc duy trì thẩm quyền của Thủ tướng cũng sẽ là một biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế số lượng mỏ khoáng sản được xếp vào diệnkhông qua đấu giá./.
DIỆU THIỆN