Đừng để Tết cổ truyền bị cuốn trôi trong dòng chảy của thời công nghệ

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 06/03/2018

(BKTO) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ vừa qua. Tác động của cuộc cách mạng này đối với Tết cổ truyền được chuyên gia văn hóa, GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ với Đặc san Kiểm toán nhân dịp Xuân mới.


Chỉ bật máy tính là đã có cả chợ Tết online…

Trước hết, theo vị giáo sư đầu ngành về văn hóa dân gian, cụm từ “cách mạng công nghiệp” hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Cuộc cách mạng này đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại, thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực đời sống cũng như các sự kiện lớn của đất nước… Trong dòng chảy đó, ngày Tết cổ truyền cũng không ngoại lệ.

GS.Tô Ngọc Thanh chia sẻ, ngày xưa, việc sắm sửa tết, đi chợ Tết luôn là hoạt động được mong chờ nhất của các gia đình, nhất là trẻ em vì được bố mẹ sắm cho quần áo mới, được mua bánh kẹo. Chợ Tết thường rất đông người, cảnh người xe nườm nượp ra vào chợ, rộn ràng mua sắm càng tạo nên không khí rộn rã, tưng bừng.

Ngày nay, chỉ cần bật máy tính lên là cả chợ Tết online hiện ra trước mắt. Thậm chí các em nhỏ đã có thể tự đặt mua mà không cần bố mẹ hướng dẫn. Tất nhiên, những vấn đề này mới đặt ra tại một số thành phố lớn, còn ở quê, không khí chợ Tết cơ bản vẫn giữ được nét xưa.
Tiếp đó là vấn đề dọn nhà, đón Tết. Ngày xưa, dọn nhà ăn Tết trong ký ức nhiều người thường là công việc khá vất vả, nhưng cũng là một thú vui. Cả gia đình cùng chung tay dọn dẹp, tiếng cười nói rôm rả khiến ai cũng cảm nhận được tình cảm ấm áp gia đình và không khí ngày Tết đang đến cận kề.

Ngày nay, trong thời đại công nghệ vô cùng phát triển, việc dọn nhà không còn cực nhọc như trước kia, bởi lẽ với những trang thiết bị hiện đại, trong nháy mắt nhà đã sạch bong. Không ai có thể phủ nhận giá trị của các ứng dụng công nghệ trong việc góp phần làm cho cuộc sống tiện nghi hơn, đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, các ứng dụng công nghệ cũng mang đến cảm giác xa cách và sự háo hức chờ đợi, không khí của ngày Tết khó có thể cảm nhận được như trước kia.

Khi công nghệ bị lạm dụng…

Thực tế, hiện tượng lạm dụng công nghệ cũng đã gây nên một số ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội nói chung và không khí của ngày Tết cổ truyền nói riêng.

Điển hình như truyền thống hội họp, đoàn tụ gia đình. Tết xưa, mọi người quây quần bên nhau, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ trong không khí vô cùng ấm áp. Những nụ cười rôm rả, ánh mắt ông bà, cha mẹ ánh lên một niềm vui không sao miêu tả được bằng lời. Lũ trẻ vui đùa cùng nhau, xúng xính trong những bộ áo quần xinh đẹp, khoe nhau những phong bao lì xì đỏ tươi. Nhưng nay, không ít trường hợp gia đình không giữ được nếp xưa, các đôi vợ chồng trẻ, thậm chí là cả con trẻ không còn quấn quít bên ông bà, cha mẹ, không còn chạy tung tăng vui đùa mà chỉ chăm chú vào chiếc smartphone.

Tương tự đối với phong tục chúc tết năm mới. Thay vì cùng gia đình đến chúc tết người thân, bạn bè, thầy cô, nhiều người lại ôm chiếc smartphone cả ngày với thế giới ảo. Trước đây khi chúc tết, bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc nhau năm mới thật tốt đẹp bằng những câu đối, vần thơ.

Ngày nay, những lời chúc dường như đã được “ký tự hóa” đi rất nhiều. Thậm chí một số người chỉ cần viết một status chúc Tết trên mạng xã hội, rồi “tag” bạn bè vào và bình luận một cách vô tâm hời hợt. Như vậy, chúng ta đã và đang đánh mất đi những giá trị và ý nghĩa của việc chúc Tết, những tin nhắn và status không bao giờ có thể khiến ta cảm thấy vui và hạnh phúc bằng việc gặp mặt nhau, chúc Tết, cười đùa trong những tiếng cười giòn tan.

Trò chơi ngày Tết. Trẻ em ngày xưa thường được theo bố mẹ đi du xuân trẩy hội và tham gia vào rất nhiều trò chơi dân gian của từng vùng miền. Nhưng giờ đây, một chiếc smartphone đã chứa đựng cả thế giới trò chơi, trẻ không còn hứng thú với những trò chơi dân gian như xưa nữa.

Bớt “sống ảo” để Tết thêmý nghĩa

Đó là lời khuyên của GS. Tô Ngọc Thanh dành cho những ai đang là tín độ của công nghệ.

Được ví như “pho từ điển sống” về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc dân gian… và là một học giả uyên bác hàng đầu ở Việt Nam, thế nhưng, khi hỏi chuyện, ông bảo, bản thân cũng “cạn lời” trước hành vi, lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân trong xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay. Đặc biệt, khi nhắc đến dấu ấn công nghệ trong sự biến đổi của Tết cổ truyền, vị giáo sư tỏ ra ngậm ngùi, tiếc nuối. Ông bảo “Tết nay biến đổi nhanh quá, thế hệ chúng tôi già đi, còn một bộ phận lớp trẻ lại ảnh hưởng, lạm dụng công nghệ quá mức”.

Tất nhiên, bản thân ông cũng thừa nhận những giá trị tích cực mà công nghệ mang lại. Điển hình như việc nhờ có công nghệ, việc chúc tết cũng dễ dàng hơn. “Dù có ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất, chúng ta vẫn có thể gửi đến họ thông điệp năm mới, không cần viết thư tay và chờ đợi hàng tháng trời. Với những gia đình không có cơ hội đoàn tụ trong dịp Tết, các thành viên vẫn đoàn tụ theo cách khác bằng sự trợ giúp của công nghệ, cụ thể là mạng xã hội.

Một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể giúp gia đình lưu giữ được những bức ảnh đẹp trong ngày tết, thay vì phải đầu tư một khoản tiền kha khá để sắm máy ảnh hoặc thuê thợ chụp ảnh như trước đây…” - GS. Tô Ngọc Thanh chia sẻ.

Ngày nay, Tết còn được xem là dịp lý tưởng để đi du lịch, tận hưởng thú vui cá nhân. Nhiều người đi đâu cũng có chiếc smartphone, máy tính bảng hay laptop bên mình. Mọi người dần quen với việc “sống ảo”, nhất là trong ngày Tết. Giá trị gắn kết gia đình của ngày Tết vì thế bị lãng quên, con cái ít dành thời gian trọn vẹn bên cha mẹ.

Trong suy nghĩ của GS. Thanh và những người đương thời, Tết cổ truyền là một dịp trọng đại, thiêng liêng nhất của một gia đình. Bởi đơn giản, Tết là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ và thăm hỏi nhau. Đó là những ngày tiễn ông Táo về trời, là những đêm khuya ngồi quây quần chuyện trò bên nồi bánh chưng, là sự rộn ràng phân công mỗi người mỗi tay để gói giò, làm nem tập trung vào bữa cỗ trưa ngày 30 Tết.

Sự biến đổi của Tết cổ truyền trong thời kỳ hiện đại theo GS. là điều tất yếu, song chúng ta cũng cần lên tiếng, né tránh những yếu tố tiêu cực nảy sinh trong quá trình thụ hưởng ứng dụng công nghệ. Để làm được điều này, giải pháp tốt nhất chính là giáo dục ý thức, nền tảng là giáo dục gia đình, tiếp đến là giáo dục trong nhà trường, trong xã hội.

Vị giáo sư đầu ngành văn hóa dân gian nhắn nhủ: “Tết đẹp và ý nghĩa lắm. Ngay từ Tết này, các bạn trẻ hãy bớt ôm điện thoại thông minh, xắn tay vào phụ giúp người thân chuẩn bị đón xuân, bớt sống ảo để ngồi lại chuyện trò, chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Chúng ta sẽ cùng đón một cái Tết cổ truyền thật sự ấm cúng và nhiều ý nghĩa”.

NGUYỄN LỘC
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018