Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hạt nhân cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Chính trị - Ngày đăng : 13:50, 13/08/2022

(BKTO) - Từ ngày 08-12/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo vùng về Luật Hạt nhân cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Dự án RAS0090 của IAEA về Thúc đẩy và tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc gia.


                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: most.gov.vn

   

Tham dự Hội thảo có 7 chuyên gia của IAEA và 34 đại biểu đến từ 14 quốc gia bao gồm: Brunei, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Vanuatu và Việt Nam.

Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ và thảo luận về các khía cạnh của pháp lý quốc tế; đánh giá hệ thống pháp luật của các nước thành viên về lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân; trao đổi về chương trình, kế hoạch liên quan đến xây dựng, củng cố khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Luật Hạt nhân là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nhiều lợi ích nhằm đảm bảo các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân được thực hiện một cách an toàn, an ninh và hòa bình. Đặc điểm cơ bản của hệ thống luật này là tập trung kép vào lợi ích và rủi ro.

Khi các công nghệ mới đầy hứa hẹn xuất hiện, Luật Hạt nhân cũng cần thích ứng với những phát triển mới, cho phép ngành khoa học và công nghệ hạt nhân đóng góp vào việc giải quyết những thách thức sắp xảy ra, bao gồm cả biến đổi khí hậu.

Hội thảo này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình xem xét, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử sau 15 năm thực hiện kể từ khi được ban hành vào năm 2008.

Thứ trưởng Lê Xuân Định mong muốn IAEA tiếp tục hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách ở các nước thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương nâng cao nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc tham gia và thực thi các công cụ pháp lý do IAEA khởi xướng, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng khung pháp lý quốc gia toàn diện để bảo đảm an toàn, an ninh và sử dụng hòa bình công nghệ hạt nhân.

Trong 5 ngày diễn ra Hội thảo, các chuyên gia IAEA và đại biểu đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề về Luật Hạt nhân và Chương trình hỗ trợ pháp lý của IAEA; xây dựng Luật Hạt nhân toàn diện cho các quốc gia, khuôn khổ pháp lý quốc tế về an toàn hạt nhân.

Các đại biểu cũng trình bày báo cáo quốc gia về xây dựng Luật Hạt nhân và thảo luận song phương với IAEA để xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Luật Hạt nhân.
THÙY LÊ