KTNN nghiên cứu đề tài cấp Bộ phục vụ kiểm toán ngân sách địa phương
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:20, 08/03/2018
(BKTO) - Chiều 8/3, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) đã tổ chức Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Bộ “Phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán ngân sách địa phương do KTNN thực hiện” do TS. Lê Đình Thăng và TS. Nguyễn Hữu Hiểu đồng Chủ nhiệm.
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HỒNG THOAN
Đề cập đến tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết, thời gian qua, việc phân tích, đánh giá ngân sách địa phương (NSĐP) đã dần được KTNN và Kiểm toán viên nhà nước quan tâm. Nhờ đó, tính chuyên môn trong báo cáo kiểm toán NSNN được nâng cao, góp phần gia tăng chất lượng thông tin kiểm toán cung cấp cho các cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn. Tại mỗi cuộc kiểm toán NSĐP đều xác định mục tiêu phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Mẫu báo cáo kiểm toán cũng có phần trình bày về những phân tích, đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, gắn với đó là những kết luận, đánh giá. Điều này thể hiện tầm quan trọng và sự cần thiết phải tiến hành phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán NSĐP.
Sau khi trình bày về những phương pháp nghiên cứu, TS.Nguyễn Hữu Hiểu đã tóm lược về những hạn chế trong hoạt động phân tích, đánh giá NSĐP, đồng thời nêu rõ 5 nội dung mà Đề tài tập trung nghiên cứu. Cụ thể gồm: công tác lập dự toán NSĐP; công tác quản lý, điều hành thu NSĐP; công tác chấp hành dự toán chi NSĐP cấp tỉnh; đánh giá kết dư, bội chi, nợ chính quyền địa phương; đánh giá công tác quyết toán NSĐP cấp tỉnh. Các nội dung nghiên cứu này được đánh giá thông qua 14 tiêu chí cụ thể, gắn liền với việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả và tính bền vững của NSĐP cấp tỉnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đều đánh giá cao tính thực tiễn của Đề tài nghiên cứu “Phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán NSĐP do KTNN thực hiện”. Hơn nữa, xuất phát từ thực tiễn và những công trình nghiên cứu liên quan, các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến bổ sung vào các nội dung và các tiêu chí đánh giá của Đề tài, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán ngân sách.
Kết luận Tọa đàm, TS.Lê Đình Thăng đã cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà quản lý, nhà khoa học và những người có kinh nghiệm kiểm toán thực tiễn… TS.Lê Đình Thăng cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu và điều chỉnh, bổ sung để Đề tài được triển khai, hoàn thiện đảm bảo mang lại kết quả ứng dụng tốt nhất.
HỒNG THOAN