Tăng cường nguồn lực tài chính để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 17:05, 17/08/2022

(BKTO) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết bình đẳng giới của Việt Nam là thiếu nguồn lực tài chính.


Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường nguồn lực tài chính trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Viện LIGHT) phối hợp tổ chức vào sáng 17/8.
                
   

Cácđại biểu traođổi tại Hội thảo.Ảnh: D.THIỆN

   

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, bình đẳng giới cũng là một yếu tố không thể thiếu trong các kế hoạch phát triển chung của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Cũng theo bà Giang, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới, hiện Việt Nam đang đứng thứ 87/153 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để Việt Nam có thể đạt được những kết quả về bình đẳng giới một cách thực chất hơn, qua đó góp phần giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chia sẻ cụ thể về những thách thức này, bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia UN Women cho biết, về khung khổ pháp luật, khung chính sách và hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung quy định các hoạt động cụ thể về bình đẳng giới, thay vì lồng ghép vấn đề giới vào các lĩnh vực một cách thực chất.

Bên cạnh đó, hệ thống số liệu thống kê chính thức của quốc gia và niên giám thống kê của các địa phương rất ít có số liệu phân tách theo giới. Đồng thời, thiếu các đánh giá tác động về giới đối với các chính sách, chương trình…

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đó là thiếu các nguồn lực tài chính để thực hiện các cam kết bình đẳng giới. Việc thiếu nguồn ngân sách phù hợp khiến nhiều sáng kiến và kế hoạch hoạt độngthúc đẩybình đẳng giới không đạt được kết quả như mong đợi.

Thông tin thêm về vấn đề nguồn lực tài chính dành cho bình đẳng giới, bà Khuất Thu Hồng - Thành viên Ban điều hành Mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBV Net) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 có những điểm mới và tiến bộ nhìn từ góc độ giới. Theo đó, Luật này quy định bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc quản lý NSNN và là căn cứ lập dự toán NSNN hàng năm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện cũng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, việc phân bổ nguồn ngân sách cho thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới chưa đủ và giải ngân chưa đạt kế hoạch so với nguồn ngân sách được phê duyệt. Đơn cử, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã phê duyệt tổng ngân sách là 180 tỷ đồng để thực hiện các kế hoạch, chương trình về bình đẳng giới. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 5 năm, mới chi 103 tỷ đồng từ NSNN, bằng 57% so với nguồn ngân sách được phê duyệt ban đầu. Chưa kể, trong giai đoạn này, các nhà tài trợ quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam 300 tỷ đồng để thực hiện các kế hoạch hành động thúc đẩy bình đẳng giới, gấp gần 2 lần so với nguồn kinh phí từ Chính phủ, song việc thực hiện cũng rất hạn chế.

Chia sẻ thêm, ông Vũ Cương - Chuyên gia tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong hệ thống lập kế hoạch tài chính - ngân sách, vấn đề bình đẳng giới cũng không được đề cập một cách cụ thể, tách biệt, mà chủ yếu là lồng ghép vào các kế hoạch.

Đơn cử, trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 đã đề cập từ mục tiêu tổng quát đến mục tiêu cụ thể, định hướng kế hoạchtài chính quốc gia, tuy nhiên, bình đẳng giới chưa được đề cập thành lĩnh vực ưu tiên cho phân bổ nguồn lực, mà chỉ được ngầm hiểu là sẽ lồng ghép vào trong quá trìnhthực hiện các nhiệm vụ chi khác có liên quan như giáo dục, y tế…

Đối với dự toán ngân sách hàng năm, Luật NSNN yêu cầu phân bổ ngân sách theo 13 lĩnh vực, trong đó không có lĩnh vực riêng về bình đẳng giới. Tương tự, dự toán chi đầu tư, chi thường xuyên cho bình đẳng giới cũng sẽ phải lồng ghép trong dự toán chi của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, khung pháp luật hiện hành chưa có những hướng dẫn để đánh giá mức độ lồng ghép các mục tiêu về bình đẳng giới trong dự toán ngân sách, cũng như phân tích tác động về giới trong báo cáo chấp hành ngân sách.

Từ thực tế trên, đưa kiến nghị về giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới, ông Vũ Cương cho rằng, trong trung hạn, cần đưa các chỉ tiêu về giới thành chỉ tiêu kế hoạch chính thức trong các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Hội đồng nhân dâncác cấp. Cùng với đó, cần gắn các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới với phân bổ ngân sách ở cấp độ chương trình, dự án cụ thể.

Về dài hạn, cần đưa việc xác định mục tiêu hoặc đánh giá tác động về giới trở thành một yêu cầu bắt buộc trong quá trình hoạch định chính sách và đề xuất các chương trình, dự án đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, cần từng bước xây dựng hệ thống đánh giá mức độ đóng góp vào mục tiêu bình đẳng giới trong các hoạt động chi tiêu NSNN. Đồng thời, cần quy định việc xây dựng các báo cáo ngân sách có trách nhiệm giới…/.

DIỆU THIỆN