Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 09:20, 18/08/2022

(BKTO) - Sáng 17/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).


                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Điều hành linh hoạt, đảm bảo quyền của đại biểu Quốc hội

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nội quy kỳ họp Quốc hội được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; trên cơ sở kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này có 24 vấn đề mới. Trong đó, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự kỳ họp và khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp; bỏ quy định dẫn chiếu về việc bắt buộc gửi tài liệu giấy đến đại biểu Quốc hội mà thay bằng bản điện tử; bổ sung quy định công khai danh sách các cơ quan, cá nhân gửi chậm tài liệu…
                
   

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Dự thảo Nội quy cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chất vấn theo hướng giảm thời gian đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi tại phiên chất vấn xuống còn không quá 01 phút/lần; đại biểu Quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội đã hỏi, thời gian tranh luận không quá 02 phút…

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, hiện một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.

“Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình nên dự thảo Nội quy tiếp tục thể hiện theo hướng này” - ông Bùi Văn Cường nêu.

Thẩm tra dự thảo Nội quy, liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không nên quy định việc điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội. Bởi quyền phát biểu tại phiên họp là một quyền quan trọng của đại biểu, là phương thức thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

Do đó, cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo đúng thứ tự đăng ký. Trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì có thể kéo dài thời gian phiên họp để bảo đảm tất cả đại biểu đăng ký đều được phát biểu.

Về vai trò của người chủ tọa, điều hành, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung. Dự thảo Nội quy đang được thể hiện theo hướng này.

Cũng có ý kiến khác đề nghị chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận. Trường hợp cần rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu hoặc giải trình thì Chủ tọa cần đề nghị Quốc hội cho phép mới được thực hiện để bảo đảm quá trình thảo luận, xem xét, quyết định tại kỳ họp được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, các bên được bày tỏ chính kiến và được lắng nghe.

Về nội dung này, tán thành phương án thể hiện trong dự thảo Nội quy song cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.

Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí cần phải bổ sung các quy định để đảm bảo quyền linh hoạt của chủ toạ, người điều hành phiên họp, để hoạt động của Quốc hội diễn ra sôi động, chất lượng, hiệu quả.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTVQH thảo luận và thống nhất quy định thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể là 7 phút như hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm, chính kiến và lập luận của mình.
                
   

UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh: quochoi.vn

   

Về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, UBTVQH tán thành bổ sung quy định vai trò của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình, được quyền mời đại biểu phát biểu không theo thứ tự đăng ký, khi cần thiết yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc tranh luận không đúng nội dung, không đảm bảo tính tôn nghiêm của Quốc hội.

Đồng thời, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể hơn các trường hợp, vai trò của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội đang điều hành phiên họp linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình để có cơ sở áp dụng thống nhất…

UBTVQH giao Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 9/2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới.

Tại phiên họp, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Đ. KHOA