Làm rõ tính độc lập của cơ quan thanh tra

Chính trị - Ngày đăng : 09:20, 18/08/2022

(BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) yêu cầu, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần xác định rõ hơn về thẩm quyền của cơ quan thanh tra, tránh "khoảng trống" pháp luật đối với hoạt động thanh tra; đồng thời phải làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật.


Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Đã chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình UBTVQH lần này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm một điều.

Về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định tại Điều 52 của dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị UBTVQH cho tiếp thu ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán và tình trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, trùng lặp gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về: xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm (Điều 43 và Điều 44); nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra (Điều 53); công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (Chương VI); đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này (Điều 109)…

Ngoài ra, thực tế hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã ký Quy chế phối hợp để xử lý kịp thời các chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
         
Khoản 1, Điều 52, dự thảo Luật quy định: “Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thì cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện hoặc cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện”.

Tránh “khoảng trống” pháp luật trong hoạt động thanh tra

Tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra; tính độc lập của cơ quan thanh tra, việc thành lập cơ quan thanh tra tại các sở, ngành…
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, làm rõ mối quan hệ, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ giữa thanh tra các cấp với UBND, Chủ tịch UBND các cấp và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật này. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao tính chịu trách nhiệm; đồng thời đảm bảo nhanh có kết luận, công bố kết luận thanh tra.

“Kiểm toán nhà nước do Quốc hội lập ra nhưng hoạt động độc lập và cứ theo pháp luật mà làm. Tính độc lập của thanh tra là độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện như thế nào trong dự án Luật này? Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp thì quyền hạn của trưởng đoàn đến đâu, của Tổng Thanh tra Chính phủ đến đâu, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng hay thường trực đối với vấn đề này như thế nào? Trong thực tế hoạt động hiện nay có vướng gì không và giải quyết như thế nào?” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quá trình sắp xếp, tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước sẽ có những thay đổi, chỉ còn cấp Cục, vì vậy, cần xem xét đến vấn đề này trong quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xác định rõ hơn thẩm quyền cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tránh khoảng trống pháp luật trong hoạt động thanh tra; làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm, đoàn thanh tra phải ra kết luận. Nếu phát hiện vi phạm mà bỏ qua, sau này phát hiện ra thì trưởng đoàn và đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm.

Cơ bản đồng tình với quy định Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật; còn việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, với một số lĩnh vực chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật thì quy định "cứng" phải thành lập thanh tra sở, còn lĩnh vực khác thì giao UBND tỉnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của UBTVQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị, tọa đàm lấy thêm ý kiến của các Bộ, ngành, các cơ quan, các chuyên gia... để bảo đảm Luật sau khi được Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thanh tra.
ĐĂNG KHOA