Xây dựng nông thôn mới: Không chỉ trông chờ vào ngân sách
Chính trị - Ngày đăng : 10:20, 18/08/2022
(BKTO) - Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, sớm cán đích các mục tiêu về NTM giai đoạn 2021-2025, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động ban hành hướng dẫn thực hiện, nhất là huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách.
Trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần đồng thuận triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ảnh: THÁI ANH
Đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (T.Ư), tính đến hết tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn NTM. Trong đó, 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021); 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nhấn mạnh về một số nội dung chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Trường Sơn - Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối NTM T.Ư - cho biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Cùng với đó, đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...
Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Sớm hướng dẫn thực hiện các bộ tiêu chí nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM tại 2 nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là “toàn diện, to lớn và có tính lịch sử”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, hiện nay, kết quả đạt chuẩn NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Điển hình như: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,8%, Đông Nam Bộ đạt 91,3%, trong khi đó, miền núi phía Bắc mới đạt 44,1%, Tây Nguyên đạt 57,6%. Hiện vẫn còn 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%.
Đặc biệt, đến nay, vẫn còn 16 huyện thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM; 3 Bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí NTM và Bộ tiêu chí NTM nâng cao cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025 và 7 Bộ, ngành chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần của Chương trình…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết, toàn tỉnh có 139 xã tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến hết năm 2021, mới có 17 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 12,2%. Cao Bằng phấn đấu đến hết năm 2025 có trên 50 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Cao Bằng kiến nghị, các Bộ, ngành sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung Chương trình, hướng dẫn thực hiện các bộ tiêu chí để các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ. Đồng thời, sớm phê duyệt các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM, thông tư hướng dẫn sử dụng, quyết toán các nguồn vốn.
Liên quan đến nguồn lực thực hiện Chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đề nghị, các Bộ, ngành nên giao vốn sớm để các địa phương triển khai. Ngoài ra, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn thấp, trong khi yêu cầu về tiêu chí xây dựng NTM lại nâng cao, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn cần một nguồn lực rất lớn để đáp ứng nhu cầu cho xây dựng NTM.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, xây dựng NTM là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được kỳ vọng sẽ xây dựng cuộc sống tốt hơn cho nông dân. Trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần đồng thuận triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ngoài nguồn vốn T.Ư, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương./.
Theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư là 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng. |
LÊ HÒA