Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên: Ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:51, 25/08/2022
(BKTO) - Hiện nay, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới đều có Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu kiểm toán viên (KTV) phải duy trì sự độc lập, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ để nâng cao năng lực ứng phó với các hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xây dựng công cụ đánh giá tính liêm chính và năng lực chuyên môn cho KTV.
KTNN Việt Nam cần xây dựng các công cụ đánh giá tính liêm chính và các khung đánh giá năng lực chuyên môn cho công chức, KTV. Ảnh tư liệu
Thực tế cho thấy, bất kỳ sự vi phạm nào về tư cách đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ của KTV cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính liêm chính, chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán cũng như năng lực, uy tín của KTNN. Theo đó, nhận diện các hành vi tiêu cực để nâng cao năng lực ứng phó là yêu cầu quan trọng.
Các SAI ứng phó ra sao với hành vi tiêu cực trong kiểm toán?
Hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán được biểu hiện thông qua các vi phạm sau: Vi phạm về tính liêm chính, độc lập, khách quan: Báo cáo không đầy đủ, sai lệch kết quả kiểm toán; che đậy hoặc hỗ trợ cho việc hợp pháp hóa các sai phạm của đơn vị được kiểm toán; nhận tiền, quà biếu, nhờ vả phương tiện, vật chất, tài sản của đơn vị hoặc gợi ý đơn vị đưa tiền, quà biếu, các điều kiện vật chất khác… Vi phạm các yêu cầu về trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn: Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định của pháp luật và quy định về hoạt động kiểm toán của KTNN; có hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực, thiếu văn hóa với đơn vị được kiểm toán, các bên liên quan… Vi phạm yêu cầu thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin: Đưa ra những đánh giá, kết luận, kiến nghị khi chưa có cơ sở bằng chứng tin cậy; tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán khi chưa được công bố chính thức…
Thực tế hiện nay, các SAI và Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đều thừa nhận ngoài những lý do khách quan, bên ngoài như: Địa vị pháp lý, thể chế chính trị, tài chính…, quản trị nội bộ, hành vi ứng xử và đạo đức của KTV là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của SAI và chất lượng kiểm toán. Nhìn chung, các SAI đều có Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của KTV, trong đó yêu cầu KTV phải duy trì sự độc lập, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ và đây là điều kiện tiên quyết khi tiến hành kiểm toán. Ngoài ra, một số SAI còn có các chương trình, tài liệu giảng dạy về vấn đề này.
Kinh nghiệm tại Romania cho thấy, Tòa Thẩm kế nước này đã thiết lập một cơ cấu Ủy ban Thường trực theo thẩm quyền của Hội đồng toàn thể để nâng cao nhận thức về các giá trị và nguyên tắc đạo đức theo Quy tắc đạo đức của INTOSAI và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của SAI Romania; thực hiện giám sát, báo cáo thường xuyên về cách thức các KTV tuân thủ các quy tắc này. Ủy ban cũng cung cấp một cấu trúc nội bộ để giải quyết hài hòa mọi tranh chấp có thể phát sinh.
Trong khi đó, Tòa Thẩm kế Hà Lan đã phát triển IntoSAINT - công cụ tự đánh giá tính dễ bị tổn thương của SAI đối với các vi phạm về tính độc lập. Các SAI có thể sử dụng để phân tích rủi ro về tính chính trực và đánh giá mức độ trưởng thành về tính chính trực của mình. Bên cạnh đó, INTOSAI còn xây dựng và phát triển Khung đo lường hoạt động của SAI (SAI PMF). Đây là công cụ dùng để đánh giá hoạt động của SAI so với ISSAI và các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán công, trên cơ sở các đánh giá định lượng (điểm số) để đưa ra các ý kiến định tính (báo cáo hoạt động). SAI có thể sử dụng 1 trong 4 phương pháp đánh giá chính: Tự đánh giá, đánh giá chéo, thuê bên ngoài và kết hợp.
Hoàn thiện chính sách, tăng cường thanh tra, đào tạo
Để ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, bên cạnh các quy định chung của Luật Công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật KTNN, KTNN đã ban hành Chuẩn mực KTNN số 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên ban hành các chỉ thị để điều hành hoạt động của Ngành, chấn chỉnh hoạt động kiểm toán, nâng cao kỷ luật công chức, công vụ.
Bên cạnh đó, KTNN còn đẩy mạnh các hoạt động thanh tra nhằm phát hiện những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị, từ đó kiến nghị đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán; xem xét đánh giá, phân loại thi đua với các cá nhân còn hạn chế, sai phạm trong hoạt động kiểm toán. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng được KTNN chú trọng, đi vào nề nếp, giúp hạn chế được rủi ro trong quá trình kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán…
Tuy nhiên, để ứng phó tốt hơn với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, thời gian tới, trên cơ sở các thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam, KTNN cần sửa đổi Chuẩn mực KTNN 30 cho phù hợp với ISSAI 130 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của KTV; xây dựng các công cụ đánh giá tính liêm chính và các khung đánh giá năng lực chuyên môn cho công chức, KTV dựa trên việc tham khảo thông lệ của INTOSAI và các SAI tiên tiến khác.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán, quy chế kiểm soát chất lượng, quy chế hoạt động đoàn; hoàn thiện công tác đánh giá, bố trí và phân công cán bộ, công tác luân chuyển điều động cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, gắn trách nhiệm quản lý, điều hành và kiểm tra, giám sát đội ngũ công chức, KTV trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán. Cùng với đó, đào tạo công chức có thể sử dụng các công cụ quốc tế về đánh giá kết quả đầu ra, đánh giá tính liêm chính của cơ quan và áp dụng vào thực tiễn, trong đó có công cụ IntoSAINT và SAI PMF; đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, nâng cao đạo đức công vụ.../.
Các mục tiêu chính khi áp dụng SAI PMF: Xác định các điểm mạnh và điểm yếu; tăng cường quản lý hoạt động và trách nhiệm giải trình nội bộ; thúc đẩy công tác báo cáo ra các bên có liên quan bên ngoài (ISSAI 20); chứng minh sự tiến bộ về năng lực và kết quả hoạt động; chứng tỏ giá trị và lợi ích của SAI với người dân (ISSAI 12); kêu gọi và duy trì nguồn tài trợ từ bên ngoài cho hoạt động tăng cường năng lực của SAI...
ThS. NGUYỄN ANH PHƯƠNG- NGUYỄN THÀNH TRUNG