Thanh Hóa cần phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới
Chính trị - Ngày đăng : 21:05, 29/08/2022
(BKTO) - Thanh Hóa cần phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc. Theo đó, tỉnh cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù để khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá.
Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào sáng 29/8.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: VPCTN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Theo đó, năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước, thu ngân sách bằng 93,6% dự toán…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ tỉnh còn có những hạn chế như kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự vững chắc và hài hòa, nhất là giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng, địa bàn, tính lan tỏa chưa cao; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; quy mô kinh tế của Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng GDP cả nước, trong khi đây là tỉnh có dân số đứng thứ 3 và diện tích đứng thứ 5 trong cả nước.
Bên cạnh đó, thu ngân sách của tỉnh lớn song khả năng tự chủ ngân sách còn thấp; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập; tốc độ đô thị hóa chậm; thu nhập của người dân còn thấp; chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế còn chưa cao…
Từ thực tế đó, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cầnđề cao và hiện thực hóa những khát vọng phát triển toàn diện từ việc tăng nhanh quy mô nền kinh tế đến tạo ra những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, văn hóa, môi trường…, nhằm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu”.
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa cầnsớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động… với tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng cần nỗ lực tối đa để cải thiện thứ hạng và nâng cấp môi trường kinh doanh của địa phương, trong bối cảnh năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh giảm nhiều.
Đồng thời, tỉnh cần chắt chiu nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào một số cơ sở hạ tầng chuyên biệt; cởi mở về cơ chế, xóa bỏ các rào cản để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…/.
DIỆU THIỆN