Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đối nội - Ngày đăng : 19:00, 14/03/2018

Sáng 14/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác và ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi).



Toàn cảnh Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Quy chế phối hợp, các đại biểu nhất trí cho rằng, công tác phối hợp giữa UBTVQH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tạo được bước chuyển biến mới, ngày càng thiết thực và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực: Củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; công tác xây dựng pháp luật và phản biện xã hội; hoạt động giám sát… Công tác phối hợp đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBTVQH, các cơ quan của QH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ Việt Nam các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện Quy chế vừa qua như: Phối hợp trong công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được thực hiện thường xuyên. Phối hợp trong tổ chức tiếp xúc cử tri cho các ĐBQH có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, việc đổi mới các hình thức, phương thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc theo chủ đề, nhóm đối tượng… chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn duy trì phương thức tiếp xúc cử tri truyền thống trước và sau mỗi Kỳ họp của QH. Việc giới thiệu, hiệp thương lựa chọn người ứng cử ĐBQH chưa chặt chẽ, còn để “lọt” đại biểu vi phạm tiêu chuẩn theo quy định. Việc gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp của QH có trường hợp còn chậm, chất lượng tổng hợp còn hạn chế ảnh hưởng đến công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước. Công tác phối hợp đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có nội dung còn hạn chế nên kết quả giải quyết của một số bộ, ngành có trường hợp còn chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến tình trạng có những kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm…


Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ QuốcViệt Nam Trần Thanh Mẫnphát biểu tại Hội nghị

Theo các đại biểu, các hạn chế này có một phần nguyên nhân là do một số nội dung trong Quy chế đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là sau khi QH thông qua Hiến pháp 2013 và một số luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đầy đủ cũng chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp thu, phản hồi ý kiến tham gia góp ý, phản biện của MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của cơ quan chủ trì soạn thảo; còn thiếu các quy định về hoạt động thu thập, lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri, các hoạt động phản biện xã hội về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết… việc giám sát đại biểu dân cử, cán bộ công chức theo quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể; chưa có quy định rõ ràng về theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, đặc biệt là xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân khi chưa thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Từ thực tếnày, đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Quy chế hiện hành với các luật, nghị quyết liên quan, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhất trí sửa đổi, bổ sung Quy chế nhằm quy định rõ hơn trách nhiệm của mỗi bên, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác.


Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ QuốcViệt Nam Trần Thanh Mẫn ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó tập trung vào việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, phát huy mọi khả năng sáng tạo và thu hút nguồn lực của Nhân dân để phát triển đất nước; đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của ĐBQH và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tích cực, chủ động tham gia ý kiến và phản biện xã hội đối với các dự án luật quan trọng; tăng cường xây dựng, triển khai chương trình hoạt động giám sát, chú trọng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân; chỉ đạo, hướng dẫn việc chuẩn bị, tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm khách quan, dân chủ, thận trọng, đúng quy định của pháp luật.

Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch cả nhiệm kỳ QH Khóa XIV và nhiệm kỳ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch QH đề nghị, UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần chú trọng phối hợp hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lưu ý phối hợp xây dựng một số dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, như: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục…; sửa đổi Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH; tích cực phối hợp trong công tác chuẩn bị để QH lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2018) theo quy định của pháp luật.

Với những kết quảđạt được trong thời gian qua, nhất là với việc sửa đổi Quy chế phối hợp công tác, Chủ tịch QH tin tưởng, công tác phối hợp giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới, góp phần thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao phó.

+ Tại Hội nghị, thay mặt UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký Quy chế phối hợp công tác (sửa đổi).

Theo PHẠM THÚY

daibieunhandan.vn