Nigeria: Thất thoát ngân sách chương trình ân xá lên tới 10 tỷ naira
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:21, 30/08/2022
Thông qua Ủy ban Tài khoản công, Thượng viện Nigeria đã quyết định phát lệnh bắt giữ một số quan chức để thực hiện cuộc điều tra bê bối tài chính gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng từ Chương trình Ân xá của Tổng thống (PAP).
Chương trình Ân xá của Tổng thống vướng bê bối tài chính. Ảnh: tvcnews |
Nhiều khoản tiền lớn bị chi sai
Sau khi Tổng Kiểm toán liên bang Nigeria công bố một báo cáo chỉ ra những sai phạm tài chính của nhiều quan chức cấp cao khiến 10 tỷ naira Nigeria (gần 24 triệu USD) từ ngân sách của PAP bị chi tiêu sai quy định, Ủy ban Tài khoản công đã gửi công văn triệu tập các thành viên trong Ban điều hành PAP lâm thời để làm rõ những cáo buộc tài chính có liên quan. Các thành viên đã được yêu cầu giải trình về vụ việc trước Thượng viện nhiều lần, vào ngày 03/02, 16/6 và 05/7/2022, nhưng họ đã cố tình vắng mặt, cố tình trốn tránh giải trình việc chi tiêu số tiền trên cũng như không tuân thủ yêu cầu trong tất cả các công văn được gửi đến.
Báo cáo của Tổng Kiểm toán chỉ ra rằng, gần 325 triệu naira đã được thanh toán cho một số thành viên của Ban điều hành PAP thông qua 6 phiếu thanh toán, một số phiếu thanh toán có nội dung chi chung chung như chi công tác hậu cần, đào tạo... Tuy nhiên, các kiểm toán viên đã kiểm tra những chứng từ này và phát hiện, các khoản thanh toán đã được chuyển vào tài khoản của một người, vi phạm các quy định của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều khoản tiền khác đã được lập chứng từ và thanh toán sai quy định, riêng nội dung chi tiền trợ cấp hàng tháng cho cán bộ trong các trại giam đã lên tới gần 3,47 tỷ naira.
Trong nhiều năm liền, hàng loạt hóa đơn, chứng từ thanh toán đã được thực hiện với nhiều nội dung không đúng quy định như thanh toán cho một số hợp đồng được ký từ nhiều năm trước đó, chi phí đào tạo kỹ năng nghề cho đại biểu… Thậm chí, nhiều chứng từ thanh toán và các tài liệu đính kèm đã không được phê duyệt trước khi được thanh toán.
Các khoản thanh toán này đã được giao dịch bằng tiền mặt mà không thông qua chính sách thanh toán điện tử của Chính phủ liên bang để phục vụ công tác kiểm soát công khai, minh bạch. Những khoản tiền này được thanh toán kín đáo nhưng rất nhanh chóng và cũng không tuân thủ các quy trình theo quy định, thậm chí nội dung thanh toán cũng không trung thực nhưng vẫn được thanh toán mà không cần kiểm duyệt kỹ lưỡng khiến quỹ công thường xuyên bị sử dụng sai mục đích.
Yêu cầu làm rõ những sai phạm tài chính
Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán cũng dẫn chứng nhiều khoản tiền đã được thanh toán cho một số nhà cung cấp nhưng không có các biên lai, chứng từ liên quan như hợp đồng hợp tác, phiếu thanh toán, danh sách những người thụ hưởng, các khóa đào tạo cũng không có hồ sơ thanh toán đi kèm, điều này vi phạm các điều khoản trong Quy chế tài chính của Chính phủ.
Tổng Kiểm toán cho rằng, Ban điều hành PAP được yêu cầu giải trình lý do tại sao các khoản thanh toán được thực hiện cho một người thay vì thanh toán trực tiếp cho từng cá nhân thuộc đối tượng thụ hưởng, đồng thời phải cung cấp bằng chứng rõ ràng sau khi chuyển đủ số tiền cho những người thụ hưởng phù hợp với các quy định tài chính.
Đối với các khoản tiền đã thanh toán, cần bổ sung các tài liệu hỗ trợ liên quan, nếu không buộc phải hoàn trả những khoản tiền đó về cho Kho bạc, bằng chứng chuyển tiền phải gửi tới Quốc hội và Văn phòng Tổng Kiểm toán liên bang. Ban điều hành PAP cũng sẽ phải nhận những hình phạt theo Quy chế tài chính đã được ban hành cho những sai phạm của họ.
Chủ tịch Ủy ban Tài khoản công bày tỏ: “Các thành viên của Thượng viện rất bất bình khi các quan chức liên tục trốn tránh. Tại sao các quan chức của nhà nước nhận tiền ngân sách, thay mặt Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ nhân dân giao phó lại từ chối xuất hiện trước các nhà lập pháp để giải trình về số tiền họ đã chi tiêu? Điều này là không thể chấp nhận được và Thượng viện không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát lệnh bắt giữ một số cán bộ có liên quan, đặc biệt cán bộ kế toán phụ trách PAP để điều tra làm rõ sự việc”./.
Chương trình Ân xá của Tổng thống được đưa ra nhằm khuyến khích phạm nhân hối cải để được miễn, giảm hình phạt, để giúp đỡ những người có tiền án, tiền sự tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ học nghề và có việc làm, thậm chí trở thành doanh nhân, đóng góp cho nền kinh tế của khu vực và quốc gia. Chương trình có sự hợp tác của các tổ chức công, tư và chính quyền các bang, đặc biệt tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Niger, một địa phương rất phức tạp, có tỷ lệ tội phạm cao. |
YẾN NHI
(Theo Leadership và tổng hợp)