Bác Hồ với Ngày độc lập đầu tiên

Chính trị - Ngày đăng : 10:05, 31/08/2022

(BKTO) - Ngày 2/9/1945 không chỉ là ngày vui của nhân dân Việt Nam vừa giành được độc lập sau hơn 80 năm hy sinh xương máu không kể xiết để chống thực dân Pháp ngay từ khi chúng xâm lược nước ta (năm 1858), mà còn là ngày vui của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì thế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho ngày tuyên bố độc lập.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Những ngày chuẩn bị về Hà Nội, Bác bị sốt cao có lúc mê sảng. Khi cộng sự ở gần Bác lúc đó là Võ Nguyên Giáp đến lán báo cáo tình hình và thăm hỏi sức khoẻ, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống lo công việc, tôi không việc gì” và dặn dò: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Sau đó, anh em giúp việc mời được cụ lang người Tày tên là Ma Văn Đàm đến bắt mạch cho Bác. Sau khi uống vài lần thuốc Nam hoà với cháo loãng, cơn sốt lui dần. Ngày 16/8/1945, dù vẫn còn yếu mệt nhưng Bác vẫn đến dự và góp ý kiến với Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Ngày 23/8/1945, Bác và những người cùng đi rời an toàn khu về ở tại đình làng Phú Xá, Phú Gia (nay là Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Bác và đoàn vào nghỉ và làm việc tại một cơ sở cách mạng ở gần đó. Hôm sau, Bác cảm ơn gia đình chủ nhà trước khi chuyển đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cửa hàng này mang tên Phúc Lợi rộng 400m2, có 4 tầng của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - một doanh nhân buôn bán tơ lụa nổi tiếng giàu có và yêu nước tại đất Hà Thành và cũng là gia đình đã hiến 5.147 lượng vàng cho chính quyền cách mạng. Ông bà Trịnh Văn Bô luôn tâm niệm: “Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả” và cũng như mọi người dân lúc bấy giờ: “Chỉ có một mong ước duy nhất là nước nhà độc lập”.

Tại đây, chiều 26/8, Bác triệu tập và chủ toạ cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc mở rộng thành phần Ủy ban Dân tộc Giải phóng chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội để tuyên bố thành lập chính thể mới.

Ngày 26/8/1945, Hồ Chí Minh đã tiếp và giới thiệu với Thiếu tá Archimedes L.A Patti - Chỉ huy đơn vị OSS (Mỹ) - về bản Dự thảo Tuyên ngôn Độc lập và mời ông Patti dự Lễ Độc lập. Trong chương 25 của cuốn hồi ký “Why Viet Nam?” (Vì sao Việt Nam) - cuốn sách đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2009 với 868 trang tiếng Việt và nhiều bức ảnh do tác giả chụp về Lễ Độc lập, trong đó có một số bức ảnh hiện đang được sử dụng tại Việt Nam, Thiếu tá Patti viết: “Sự chân thành và tài hùng biện đầy sức thuyết phục của ông Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi... Đó là một nhà lãnh đạo vô cùng thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người thấu tình đạt lý và vô cùng tinh tế”. Ông Patti nhận xét rằng: Khi kế thừa Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, ông Hồ đã phát triển quyền dành cho “tất cả đàn ông” thành quyền dành cho “tất cả mọi người” và trật tự các chữ “tự do”, “quyền sống” đã bị thay đổi vì ông Hồ cho rằng: “Không thể có tự do mà không có quyền sống”.

Ngày 27/8/1945, tại cuộc họp của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, một số ủy viên Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các thành phần khác, có cả những người đã từng tham gia trong chính quyền cũ. Hành động đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư tốt đẹp không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”. Cũng tại cuộc họp này, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiều hôm đó, Người đưa bản thảo Tuyên ngôn Độc lập để các thành viên Chính phủ xét duyệt và đề nghị duyệt kỹ vì “không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe”.

Từ ngày 28/8/1945, Hồ Chí Minh tập trung công sức vào việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và thường mời một số cộng sự như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Khuất Duy Tiến... đến bàn thảo. Cho đến tận ngày 31/8/1945, Người vẫn bổ sung một số điểm mới để hoàn chỉnh Dự thảo. Bản Tuyên ngôn Độc lập với 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu không chỉ là văn kiện lịch sử mở đầu của nước Việt Nam độc lập mà còn là một văn kiện kết tinh khát vọng và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, kế thừa và phát triển những giá trị nhân văn của nhân loại, trực tiếp là Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp. Tâm sự với các cộng sự, Người nói: “Trong đời đã viết nhiều nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”. Thực ra, Người không chỉ là “người viết” mà còn là linh hồn của bản Tuyên ngôn Độc lập này.

Ngoài việc dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ còn chỉ đạo chuẩn bị Ngày Độc lập. Tờ VTC News ngày 02/9/2012 đăng bài viết về việc xây dựng lễ đài Độc lập qua lời kể của nhà báo Nguyễn Hữu Đang - người được cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ: “Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28/8… Tôi theo cụ Nguyễn Văn Tố vào gặp Cụ Hồ. Cụ Hồ hỏi tôi: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”. Nghe vậy, tôi nói: “Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Tôi chào Cụ, ra về và cùng Ban Tổ chức ngày lễ bàn việc thiết kế, thi công lễ đài”. Ông Đang cho biết, việc thiết kế được giao cho kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 01/9/2008 đã trích đăng bài viết của Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh ngày 28/8/1992, trong đó Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh cho biết: Sáng ngày 01/9/1945, ông được giao trọng trách thiết kế lễ đài với yêu cầu giản dị nhưng phải trang nghiêm; trên lễ đài có thể đứng được ba chục người. Việc viết khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh được giao cho các ông Nguyễn Huy Tưởng, Trần Huy Liệu và Phạm Văn Khoa đang hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa Quảng trường Ba Đình, trước các cổng cuốn và cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột theo kiểu thức tô-scan Pháp. Công trình này màu vàng nhạt, phía sau lễ đài màu đỏ cùng với khối cây cổ thụ màu xanh với hai bình hương hai bên và cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài. Khi thi công, đồng bào Hà Nội vui lòng ủng hộ gỗ và vải. Nhân lực thì có 10 thợ mộc và 40 anh em do Hội Truyền bá Quốc ngữ huy động đến giúp. Cột cờ cao 10m và các trụ lễ đài cao 4m đều chôn chân xuống đất, dùng vải bọc ngoài các khung gỗ. Công nhân nhà máy điện đảm bảo ánh sáng. Ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ - kể lại: “Sáng 31/8, sau khi nghe tôi báo cáo về việc xây dựng lễ đài, Bác bảo tôi sang đề nghị Ban Tổ chức ngày lễ: Nếu trời mưa thì rút ngắn chương trình để đồng bào, nhất là cụ già và phụ nữ khỏi bị ướt và bố trí chỗ đi vệ sinh cho đồng bào”. Đến 3h00 sáng ngày 2/9, lễ đài được dựng xong, thời giờ còn lại để mắc loa và đặt mi-crô. Tổng cộng thời gian xây dựng lễ đài chỉ trong 48 tiếng. Lễ đài Độc lập không chỉ là công trình lịch sử mà còn là tượng đài về sức mạnh của lòng dân - “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Vào lúc 14h00 ngày 2/9/1945, trên lễ đài tại vườn hoa Ba Đình, trước 50 vạn người - khi đó dân số Hà Nội chưa đến 80 vạn người - thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở đầu kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam./.
HOÀNH SƠN