Điều động, luân chuyển cán bộ: Trao niềm tin, gửi trọng trách!
Chính trị - Ngày đăng : 10:05, 31/08/2022
(BKTO) - Những năm qua, với nhiều cách làm phù hợp, công tác điều động, luân chuyển cán bộ diện Trung ương (T.Ư) quản lý được thực hiện ngày càng chặt chẽ, có nhiều đổi mới. Nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt, góp phần quan trọng vào thành tích chung của địa phương, đơn vị.
Hội nghị gặp mặt các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ảnh sưu tầm
Đã điều động, luân chuyển 45 cán bộ
Sinh thời, khi đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng ta luôn nhấn mạnh, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”.
Trong công tác cán bộ, luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ngoài ra, công tác luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn hệ thống chính trị, qua đó tạo ra được đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế.
Thông tin từ Ban Tổ chức T.Ư cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện T.Ư quản lý (gồm 34 Ủy viên T.Ư Đảng, cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; đồng thời phân công, bố trí công tác sau luân chuyển đối với 53 cán bộ.
Hiện nay, T.Ư đã điều động 16 cán bộ về địa phương; luân chuyển 29 cán bộ ở địa phương. Chất lượng điều động, luân chuyển cán bộ T.Ư được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín; nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự điều động, luân chuyển đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của T.Ư, địa phương; có sự đổi mới, phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, việc điều động, luân chuyển đã đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ với tăng cường cán bộ cho những nơi còn khó khăn gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ trong cán bộ và đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh không là người địa phương.
Tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác
Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng và người dân có chung nhận định, đa số cán bộ luân chuyển có nhận thức đúng đắn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, bám sát cơ sở, không ngại khó khăn; có phương pháp lãnh đạo quản lý toàn diện hơn, gương mẫu, an tâm công tác, vượt qua khó khăn, tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới. Ngoài ra, các cán bộ được luân chuyển cũng phát huy tốt năng lực, sở trường, rèn luyện trưởng thành về tư duy, phong cách và bản lĩnh; tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, được đảng viên và nhân dân địa phương đồng tình, tín nhiệm. Đặc biệt, nhiều cán bộ có tư duy, phong cách lãnh đạo, làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, trong đó, điều động và luân chuyển có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thường trực Ban Bí thư lưu ý, các đồng chí được điều động, luân chuyển phải nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm được giao, thực hiện đúng nguyên tắc, nói đi đôi với làm, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác được phân công. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; thực sự quan tâm, giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nhân dân.
Khẳng định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, Ban Tổ chức T.Ư luôn theo dõi, hỗ trợ các cán bộ T.Ư luân chuyển trong quá trình phấn đấu, rèn luyện. “Nhiều đồng chí sau khi được điều động, luân chuyển đã có những bước trưởng thành, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị” - Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai đánh giá; đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, các cán bộ T.Ư được điều động, luân chuyển cần chủ động khắc phục khó khăn, phát huy năng lực, sở trưởng của bản thân, thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi điều động, luân chuyển đến./.
Theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ: Cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín, tiêu chuẩn chính trị và các vấn đề khác có liên quan đến cán bộ theo quy định trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ. Cơ quan nơi đến có trách nhiệm nhận xét, đánh giá định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín và các vấn đề có liên quan đến cán bộ luân chuyển, gửi cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ để phối hợp, theo dõi theo quy định. |
LÊ HÒA