Thủ tướng đối thoại với nhà đầu tư Australia về thời cơ lớn tại Việt Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:25, 16/03/2018

(BKTO) - Sau khi hoàn tất các nội dung làm việc tại Canberra, sáng 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Sydney, nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia. Tại Sydney, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc, đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu của Australia.


Làm việc, đối thoại với các nhàđầu tư hàng đầu của Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “thời cơ đã đến, đang chờ các bạn” - Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; lãnh đạo một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và 12 tập đoàn, các quỹ đầu tư hàng đầu của Australia.

Phát biểu mởđầu cuộc làm việc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, những ngày qua là những ngày “song hỷ” đối với quan hệ Việt Nam – Australia khi hai nước thiết lập Đối tác chiến lược và cuộc làm việc hôm nay được xem là cuộc làm việc đầu tiên để triển khai, hiện thực hóa quan hệ đó.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc các tập đoàn, các quỹ đầu tư hàng đầu của Australia (hiện quản lý hơn 500 tỷ USD) dự cuộc làm việc hôm nay thể hiện sự quan tâm đầu tư vào việt Nam và hy vọng 12 đối tác này sẽ đi tiên phong trong làn sóng đầu tư mới của Australia vào Việt Nam.

Ông Peter Warne, Chủ tịch Tập đoàn Macquarie, cho biết, tập đoàn của ông quan tâm đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam vì tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng rất mạnh trong bối cảnh đô thị hóa, tầng lớp trung lưu gian tăng, 1/3 dân số sống ở đô thị.

Thủ tướng cho biết, quý I năm 2018, đầu tư gián tiếp từ các quỹ trên thế giới vào Việt Nam rất lớn và có được điều đó là do môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Chính phủ bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Và nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong thời gian qua. Riêng quý I năm nay, tăng trưởng GDP có thể đạt khoảng 7,4%.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam rất quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng, một trong những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ chiếm khoảng 50% dân số. Thủ tướng khẳng định quan điểm tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững. Để làm điều đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào một số việc như: Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa; tiếp tục cải cách thể chế chính sách để tạo điều kiện cho phát triển bền vững; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, không chỉ vào nhóm đầu ASEAN mà hướng tới OECD.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu mạnh mẽ doanh nghiệp Nhà nước, tập trung vào một số lĩnh vực được xem làđiểm nghẽn của sự phát triển như hạ tầng, nguồn nhân lực…“Chúng tôi chú trọng phát triển thị trường tài chính, từng bước áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế, bảo đảm thị trường tài chính ổn định, lành mạnh, tăng trưởng bền vững và thân thiện với nhà đầu tư”, Thủ tướng nói.

Chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đã ký 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều nước,vừa qua đã ký Hiệp định CPTPP, trong đó có Australia; đồng thời Việt Nam cũng đang đàm phán về RCEP. Điều này sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho các nhà đầu tư.

Cho biết Việt Nam – Australia vừa thiết lập Đối tác chiến lược, Thủ tướng tin rằng, cùng với các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Australia vào Việt Nam. “Tôi cho rằng đây là thời cơ lớn của các bạn”, Thủ tướng nói. “Thời cơđã đến, đang chờ các bạn”.
Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Đại diện của Marshall Investments cho biết, công ty đã vào Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực dệt may và mấy tuần trước có đến TP. HCM, nhận thấy thị trường rất lạc quan. Công ty đang chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vì hiệu quả và chi phí tiền lương. Ông muốn biết về kế hoạch tăng lương của Việt Nam như thế nào?

Thủ tướng cho rằng, ngành dệt may của Việt Nam được xem là có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Với việc ký kết CPTPP, sẽ mở thêm thị trường rộng lớn cho ngành này. Về vấn đề tiền lương, Thủ tướng khẳng định, không để tiền lương của công nhân quá thấp, tuy nhiên cũng bảo đảm cho nhà đầu tư có chi phí tiền lương ở mức cạnh tranh cao trong khu vực.

Đặt tiếp câu hỏi với Thủ tướng, đại diện Marshall Investments cho biết, công ty cũng quan tâm đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến hạ tầng và muốn biết kế hoạch của Việt Nam như thế nào.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, kể cả lĩnh vực hạ tầng hay lĩnh vực ngân hàng, với tinh thần công khai, minh bạch.

Ông Jolyon Burnett, Tổng Giám đốc Hiệp hội Macca Australia cho biết, hiện đang có sự hợp tác với Hiệp hội Macca Việt Nam về phát triển loại sản phẩm này, đặt câu hỏi về “Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ngành macca ở Việt Nam không, có xem đây là ngành sản xuất nông nghiệp hay không?”.

Trước câu hỏi này, cầm một hộp macca sản xuất ở Việt Nam và mời các nhàđầu tư của Australia thưởng thức, Thủ tướng bày tỏ: Macca ở Việt Nam tốt hơn ở Australia và chuyển câu hỏi này cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trên thị trường thế giới, nguồn cung macca không đáp ứng đủ cầu. Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trồng cây macca, loại cây xuất xứ từ Australia, hơn 20 năm nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến các đối tượng sản xuất có giá trị cao cho nông dân và nhà đầu tư. Trong đó, cây macca là một đối tượng Chính phủ cho phép phát triển.

Thủ tướng Việt Nam đã chỉđạo có những chính sách ưu tiên, trong đó cóđối tượng cây macca, “rất mong các bạn sang phối hợp với Việt Nam để cùng phát triển một loại cây cho giá trị cao, cung cấp cho thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tiếp lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng bày tỏ: "Thực hiện phương châm nói ít làm nhiều, mời các bạn đến Việt Nam cùng hợp tác, cùng làm ăn, hai bên cùng thắng".
Theo chinhphu.vn