VN-Index hồi phục ngoạn mục sau 3 phiên liên tiếp giảm điểm

Kinh tế - Ngày đăng : 23:21, 02/09/2022

(BKTO)- Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán hôm nay (23/8) hồi phục ngoạn mục. Thị trường dù giao dịch không quá sôi động, nhưng lực cung được tiết giảm và dòng tiền đã chấp nhận chịu rủi ro cao hơn, kéo hàng trăm mã đảo chiều tăng giá, giúp VN-Index nhảy vọt nửa cuối phiên chiều, lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.


Cổ phiếu dầu khí "nổi sóng",VN-Index vượt mốc 1.270 điểm
                
   

Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, ngân hàng đã giúp thị trườngvượt mốc 1.270 điểm - Nguồn: TTXVN

   

Trong phiên sáng ngày 23/8, mở cửa phiên, VN-Index tạo một gap giảm, xuống dưới sát ngưỡng hỗ trợ ở đường MA20 (1.251), sau đó đã nhanh chóng bật trở lại lên trên tham chiếu. Sự thận trong của cả bên bán và bên mua sau đó khiến thị trường diễn ra khá ảm đạm, VN-Index giao dịch trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi.

Sau phiên sáng giao dịch tương đối nhàm chán, bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ, phần lớn các cổ phiếu đều chỉ biến động giá trong biên độ hẹp, thị trường bước vào phiên chiều chưa có nhiều thay đổi, khi có thêm những nhịp rung lắc nhẹ quanh tham chiếu.

Tuy vậy, sau thời điểm 14h, dù lực cầu không mạnh, nhưng bảng điện tử bất ngờ đổi sắc tích cực khi hàng loạt mã quay đầu tăng giá, qua đó, giúp VN-Index đi lên dứt khoát và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng hơn 10 điểm lên trên 1.270 điểm.

Điểm đáng chú ý phiên hôm nay là phiên có mức điểm mở cửa là mức thấp nhất ngày, trong khi mức đóng cửa là mức cao nhất ngày. Có được điều này là nhờ vào sự bứt phá của nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, ngân hàng… vào cuối phiên giao dịch.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí không còn mã nào ở chiều giảm giá. Thậm chí, PVB và PVC tăng kịch trần. Các mã BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVD, PVS có mức tăng rất mạnh. Cùng đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt đổi từ sắc đỏ sang sắc xanh. Đáng chú ý, các mã trụ cột trong nhóm như MBS và VDS đều tăng 5,6%, SHS tăng 5,1%, HCM tăng 2,9%, SSI tăng 2,8%, VND tăng 2,5%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nếu phiên sáng là nguyên nhân khiến chỉ số chìm trong sắc đỏ thì phiên chiều trở thành động lực tăng trưởng. Theo đó, hàng loạt mã ngân hàng tăng giá như BID tăng 2,7%, STB tăng 1,2%, HDB và SHB đều tăng 1%...

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã có mức vốn hóa trung bình và nhỏ tăng rất mạnh. Tuy nhiên, mã vốn hóa lớn nhất nhóm này là VIC lại giảm 1,5%, tiếp đến VRE giảm 0,7% đã kéo giảm bớt đà tăng chỉ số VN-Index.

Các cổ phiếu trụ cột, đầu ngành các nhóm ngành như VNM tăng 2,8%, GAS và POW đều tăng 1,8%, GVR và HPG đều tăng 1,3%... đã có tác động rất tích cực lên chỉ số VN-Index.

Thị trường đi lên, nhưng khối ngoại phiên hôm nay bán ròng 75 tỷ đồng trên HOSE; 5,47 tỷ đồng trên HNX và 32,82 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã bị bán ròng mạnh là VHM với giá trị hơn 45 tỷ đồng, tiếp đến là CTG bị bán ròng gần 43 tỷ đồng, VIC bị bán ròng 32,6 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, VN-Index tăng 10,38 điểm lên 1.270,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 564,7 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.057 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 308 mã tăng giá, trong khi chỉ có 140 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 4,41 điểm lên 299,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 94,7 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.966 tỷ đồng. Toàn sàn có 143 mã tăng giá, 61 mã giảm giá, 44 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,56 điểm lên 92,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 52,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 946 tỷ đồng. Toàn sàn có 181 mã tăng giá, 99 mã giảm giá và 72 mã đứng giá.

Chứng khoán quốc tế đồng loạt giảm điểm trước thềm hội nghịJackson Hole
                
   

Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ trước thềm cuộc họp của FED - Nguồn: Reuters

   

Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Hai ngày 22/8 (giờ địa phương), khi các nhà đầu tư lo lắng về cuộc họp củaCục Dự trữ Liên bang Mỹ(FED) vào cuối tuần này với dự báo sẽ có thêm những cam kết quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để dập tắt lạm phát.

Phiên này, tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều giảm điểm, dẫn đầu là ngành tiêu dùng giảm 2,84%, tiếp theo là ngành công nghệ thông tin giảm 2,78%. Các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng là những gánh nặng lớn nhất với Nvidia Corp giảm 4,6%, Amazon.com giảm 3,6%, Netflix sụt 6,1%, trong khi Microsoft Corp và Apple đều mất hơn 2%, sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ năm tăng vượt mốc 3% lên mức cao nhất kể từ ngày 21/7.

Trọng tâm thị trường theo dõi hiện nay được hướng tới hội nghị thường niên Jackson Hole được tổ chức tại bang Wyoming bởi FED Kansas.Hội nghị này được biết đến là một sự kiện uy tín, từng được nhiều đời chủ tịch FED sử dụng là nơi để thông báo những định hướng chính sách quan trọng, quy tụ nhiều nhà hoạch định chính sách cấp cao trong nước và toàn cầu.

Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 643,13 điểm (-1,91%), xuống 33.063,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,49 điểm (-2,14%), xuống 4.137,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 323,64 điểm (-2,55%), xuống 12.381,57 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng, do lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung khí đốt từ Nga, tín hiệu tăng lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và triển vọng kinh tế yếu kém đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 22/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 16,58 điểm (-0,22%), xuống 7.533,79 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 313,95 điểm (-2,32%), xuống 13.230,57 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 117,09 điểm (-1,80%), xuống 6.378,74 điểm.

Tương tự, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch 22/8 và đồng USD nới rộng đà tăng, giữa bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu gia tăng khi hầu hết các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiếp tục giảm 0,9%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 135,83 điểm (0,47%), xuống 28.794,50 điểm. Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất hơn 1%, kéo dài đà giảm điểm sang phiên thứ tư liên tiếp do lo ngại về việc Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Chốt phiên, chỉ số Kospi hạ 30,19 điểm (1,21%), xuống 2.462,50 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney (Australia), Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia).
Nam Sơn