"Cơn bão" lạm phát tiếp tục "càn quét" các nền kinh tế thế giới
Chính trị - Ngày đăng : 23:05, 07/09/2022
(BKTO) - Nền kinh tế thế giới tiếp tục bước vào tháng 9 với nhiều biến động với nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề và "cơn bão" lạm phát dường như vẫn chưa hạ nhiệt bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhiều quốc gia trong suốt thời qua.
Nền kinh tế Đức sẽ khó tránh khỏi suy thoái
Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến nền kinh tế Đức gặp rất nhiều khó khăn- Nguồn: Internet |
Các nhà phân tích cho rằng gói hỗ trợ tài chính mới trị giá 65 tỷ euro của Đức để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tránh khỏi cuộc suy thoái đang cận kề.
Theo hãng tin Bloomberg, với gói hỗ trợ mới nhất, khoảng 9.000 doanh nghiệp thâm dụng năng lượng sẽ được giảm thuế với tổng giá trị lên đến 1,7 tỷ euro. Ngoài ra, một khoản thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng cũng sẽ được sử dụng nhằm giảm hóa đơn năng lượng cho người dân. Với gói hỗ trợ mới này, đã nâng tổng số tiền cứu trợ mà Đức đã chi cho cuộc khủng hoảng năng lượng lên đến 100 tỷ euro, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với gói cứu trợ 300 tỷ euro mà nước này đã tung ra để giữ cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu trụ vững trong đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ lần này cũng lớn hơn so với 2 gói trước, bao gồm các khoản thanh toán một lần cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất – như các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, sinh viên, người hưu trí và giới hạn giá điện.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của Ngân hàng ING của Hà Lan bình luận: “Mặc dù gói hỗ trợ mới được công bố sẽ thực sự hỗ trợ những người có tài chính yêu hơn, nhưng có những nghi ngại cho rằng gói hỗ trợ này thực sự là để bù đắp hoàn toàn tác động từ các hóa đơn năng lượng cao hơn”. Chuyên gia này cũng không chắc gói cứu trợ này sẽ phát huy tác dụng đầy đủ trong năm 2022. Ông cho rằng gói này có thể không đủ để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, nhà kinh tế Joerg Kraemer của Commerzbank (Đức) cảnh báo gói cứu trợ được công bố tạo ra nhận thức rằng phần lớn dân số có thể được hỗ trợ khỏi tác động của giá năng lượng tăng. Theo chuyên gia này, cách tiếp cận của Đức, kết hợp với năng lực sản xuất tối đa, có thể sẽ thúc đẩy giá tiêu dùng vốn đã tăng cao.
Australia nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2015 để kiềm chế lạm phát
RBA đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2015 - Nguồn: 9Finance |
Ngân hàng Dự trữ Australia (Ngân hàng Trung ương - RBA) ngày 06/9 công bố tăng lãi suất từ 1,85% lên 2,35%, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Phát biểu sau phiên họp Hội đồng quản trị RBA, Thống đốc Philip Lowe cho biết việc tăng lãi suất đã được báo trước, phù hợp với xu thế lạm phát tăng cao, vượt ngưỡng 5,9% ghi nhận trong quý II/2022. Tiến sĩ Lowe nhấn mạnh mục tiêu của RBA là giữ cho nền kinh tế phát triển đồng đều và đưa lạm phát trở lại giữa biên độ mục tiêu từ 2 - 3%. Điều đó có nghĩa là lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên trong những tháng tới, có thể đạt đỉnh vào cuối năm nay hoặc nửa đầu năm sau, khi lạm phát chạm ngưỡng dự báo là 7,8% và bắt đầu hạ xuống.
Thống đốc RBA phân tích việc điều tiết lãi suất sẽ được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố kinh tế ngoài lạm phát, bao gồm cả thị trường việc làm, các vấn đề liên quan đến nguồn cung toàn cầu, sự giảm giá gần đây của một số hàng hóa và tác động của việc tăng lãi suất.
Nhận định về thông tin tăng lãi suất, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers cho biết thị trường đã dự đoán trước rằng RBA sẽ có động thái siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, nhưng đây vẫn là một thông tin "hết sức khó khăn" đối với các hộ gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đang tăng cao. Ông nói lãi suất tăng đồng nghĩa với việc các hộ gia đình sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều hơn trong chi tiêu. Nó cũng đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ đối mặt với những quyết định khó khăn hơn về tài chính.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Chalmers khẳng định Chính phủ không can thiệp vào các quyết định độc lập của RBA, nhưng sẽ nỗ lực một cách có trách nhiệm để giúp người dân Australia ứng phó với những áp lực nảy sinh trong thời gian tới và tiếp tục xây dựng một nền kinh tế linh hoạt hơn trong tương lai.
Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 24 năm
Thực phẩm và đồ uống không cồn là một trong ba mặt hàng có mức tăng giá cao nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Nguồn: Getty Images |
Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ ngày 05/9 công bố báo cáo cho biết lạm phát hàng năm của nước này trong tháng 8 vừa qua lên tới 80,21% - mức cao nhất trong 24 năm.
Theo báo cáo trên, 3 nhóm ngành hàng có mức tăng giá cao nhất là vận tải (116,87%), hàng hóa gia dụng, đồ nội thất (92,02%), thực phẩm và đồ uống không cồn (90,25%). Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 1,46% theo tháng, trong khi Chỉ số giá sản xuất nội địa (PPI) tăng 2,41%. Mức tăng PPI trong 1 năm qua lên tới 143,75%.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với đồng nội tệ lira liên tục tuột dốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2 khiến tình hình xấu đi khi đẩy giá năng lượng lên mức cao mới.
Mặc dù lạm phát cao, Thổ Nhĩ Kỳ không tăng lãi suất như nhiều thể chế tài chính áp dụng để chống lạm phát. Đồng lira đã mất hơn 40% giá trị trong năm 2021 khi Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm lãi suất 500 điểm cơ bản, xuống 14% vào tháng 12 từ mức 19% trong tháng 9 bất chấp lạm phát tăng cao. Cho đến tháng 8 năm nay, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản còn 13%. Trong khi đó, đồng lira tiếp tục xu hướng giảm và đã mất hơn 22% giá trị so với USD trong 8 tháng qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh rằng quyết định giảm lãi suất sẽ giảm bớt gánh nặng cho các khoản đầu tư trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Lạm phát của Thái Lan lên mức cao nhất trong 14 năm
CPI của Thái Lan trong tháng 8 đã tăng 7,86% so cùng kỳ năm ngoái -Nguồn: Asia News |
Số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan công bố ngày 05/9 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 8 đã tăng 7,86% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2008 đến nay. Nguyên nhân chính dẫn tới CPI tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là do giá năng lượng ở Thái Lan vẫn ở mức cao.
Tỷ lệ lạm phát nói trên cao hơn đôi chút so với con số 7,61% được ghi nhận trong tháng 7/2022 và gần sát so với một số dự báo 7,85% được đưa ra trước đó, tuy nhiên vượt xa mục tiêu từ 1-3% mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan đề ra.
Theo ông Ronnarong Phoolpipat, một quan chức của Bộ Thương mại Thái Lan, tỷ lệ lạm phát có thể đã lên đỉnh điểm vào tháng 8/2022, trên cơ sở chỉ số này đã ở mức 7% trong vòng 3 tháng liên tiếp. Ông dự báo lạm phát sẽ giảm xuống nếu giá cả hàng hóa tiếp tục được giữ nguyên.
Ông Ronnarong cho biết thêm rằng Bộ Thương mại dự báo lạm phát sẽ ở mức khoảng 5% trong quý IV/2022 và sẽ ở mức từ 5,5-6,5% trong cả năm 2022. Ông khẳng định, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, bao gồm trợ giá năng lượng và một số biện pháp quản lý giá đã giúp làm giảm đà tăng của lạm phát.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát của Thái Lan ở mức 6,14% và lãi suất cơ bản là 2,16%.
Nam Sơn