Tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền

Chính trị - Ngày đăng : 10:05, 08/09/2022

(BKTO) - Chiều 07/9, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý, làm rõ các quy định trong Dự thảo Luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.


                
   

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồngtrình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

   

Bổ sung nhiều quy định mới

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 Chương, 63 Điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với Luật hiện hành. Trong đó, về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...); bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, để bảo đảm quy định tại luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Dự thảo Luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh là đối tượng báo cáo, bổ sung việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, định kỳ 5 năm, NHNN chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và các biện pháp áp dụng tương ứng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung yêu cầu xây dựng quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo để bảo đảm phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và phù hợp với loại hình, quy mô hoạt động của các đối tượng báo cáo như cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; sửa đổi, bổ sung quy định về lưu trữ thông tin, hồ sơ báo cáo và bảo mật thông tin để phù hợp với pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Báo cáo một số ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật này.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm; nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản, đổi tiền, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp...

Cần bổ sung quy định về tài sản ảo, tiền ảo

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) chỉ ra thực tế, mặc dù không được pháp luật công nhận nhưng hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là 1 trong 10 nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
                
   

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: quochoi

   

Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm bảo đảm an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, hoạt động rửa tiền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt là trong tài trợ khủng bố thông qua ngân hàng trực tuyến, tiền điện tử. Việc sử dụng thương mại điện tử mua, bán hàng hóa xuyên quốc gia, tiền kỹ thuật số với nhiều loại tiền ảo không bị kiểm soát qua hệ thống ngân hàng, không bị quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.

Đại biểu đề nghị, cần có quy định, chế định về đầu tư công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng rửa tiền bằng kỹ thuật ngày càng tinh vi hơn qua nền tảng kỹ thuật kỹ số, kinh tế số và các hoạt động vui chơi có thưởng, tiền ảo, tài sản ảo, hoạt động cá cược...

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản…

Nhấn mạnh trách nhiệm của NHNN trong phòng, chống rửa tiền, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, các ngân hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền; đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện và nâng cấp hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục. Đồng thời, cần xây dựng bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam./.
         
Cũng trong chiều 07/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Dự thảo Luật như: Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động của một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; về phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép; đấu giá sử dụng băng tần để sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế; việc phát triển mạng 5G…
Đ. KHOA