Kiểm toán báo cáo tài chính: Đặt môi trường làm trọng tâm

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:51, 08/09/2022

(BKTO) - Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, đối tác và khách hàng. Vì vậy, các báo cáo tài chính (BCTC) không thể bỏ qua việc truyền đạt thông tin về những rủi ro liên quan đến ESG cũng như các kế hoạch để giải quyết chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các kiểm toán viên (KTV) phải đặt ESG làm trọng tâm khi kiểm toán BCTC.



Các kiểm toán viên phải đặt ESG làm trọng tâm khi kiểm toán báo cáo tài chính. Ảnh tư liệu

Theo các báo cáo của Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán tài chính (FASB), ESG có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lớn đến BCTC. Đối với mỗi tổ chức và các nhà đầu tư, từng thành phần của ESG sẽ được quan tâm ở mức độ khác nhau.

Tập trung vào yếu tố môi trường

Mặc dù ESG bao gồm nhiều vấn đề và chúng đều có khả năng ảnh hưởng đến tài chính của một tổ chức nhưng trong bối cảnh hiện nay, vấn đề được các KTV quan tâm nhiều nhất là ảnh hưởng của môi trường. Đây cũng là nội dung khó với KTV bởi các đánh giá không chỉ dừng lại ở mức kiểm tra hay soát xét các cam kết được thực hiện theo tiêu chuẩn hoặc quy định về ESG.

Theo FASB, ảnh hưởng của các vấn đề liên quan đến khí hậu trên BCTC và đánh giá bên ngoài có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ tài trợ hoặc đầu tư vào nông nghiệp…, các vấn đề liên quan đến khí hậu tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào, khách hàng, tài chính, bảo hiểm, thậm chí là tuân thủ luật và quy định hiện hành.

Trong các trường hợp này, KTV sẽ phải bám sát và trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến khí hậu có thể ảnh hưởng đến BCTC của đơn vị, từ đó đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và xem xét việc có cần phản ánh các nội dung này trong BCTC. Đồng thời, KTV cũng phải đánh giá phản ứng của ban lãnh đạo đối với các vấn đề liên quan đến môi trường trong quá trình kiểm toán BCTC để đưa ra các thông tin và kiến nghị phù hợp về trách nhiệm của họ trong việc chuẩn bị tài chính, ban hành chính sách, chỉ đạo thực hiện và công bố thông tin.

Ở chiều ngược lại, các thành viên trong ban quản trị cũng muốn thảo luận những nội dung trên với KTV để hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến môi trường và chia sẻ thông tin chi tiết hỗ trợ cho việc đánh giá của KTV. Một cuộc kiểm toán BCTC hiệu quả chắc chắn phải có những cuộc đối thoại hai chiều giữa những người chịu trách nhiệm quản trị và KTV để hai bên đều hiểu cách xác định các rủi ro, phạm vi của cuộc kiểm toán với từng vấn đề cụ thể.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cũng là một nội dung KTV cần quan tâm, nhất là trong bối cảnh các quy định liên quan đến ESG và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung. Các quy định nhằm vào việc giảm phát thải carbon thông qua đánh thuế hoặc sử dụng sản phẩm thay thế bền vững sẽ ảnh hưởng lớn đến đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp, từ đó tác động đến cơ chế điều hành, đầu tư, huy động vốn và BCTC. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo và KTV phải hiểu tình trạng hiện tại của doanh nghiệp để xem xét các rủi ro và cơ hội trong tương lai.

Nâng cao hiểu biết về đơn vị được kiểm toán

Các rủi ro liên quan đến môi trường có thể ảnh hưởng đến việc xác định tính trọng yếu của cuộc kiểm toán. Vì vậy, KTV phải hiểu biết về đơn vị và môi trường hoạt động của nó, bao gồm cả kiểm soát nội bộ của đơn vị. Đặc biệt, KTV phải hiểu cách quản lý, ứng phó với rủi ro về môi trường của doanh nghiệp để xác định và đánh giá ảnh hưởng của những rủi ro này có làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC hay không. Từ đó, KTV tư vấn, khuyến nghị các hành động thích hợp để giải quyết và giảm thiểu rủi ro đã xác định.

Các thông tin KTV cần thu thập bao gồm: Đơn vị có xem xét hay không và xem xét như thế nào về rủi ro, cơ hội liên quan đến môi trường; mức độ hiểu biết và nhận thức của ban quản lý về ảnh hưởng của môi trường đến doanh nghiệp; đơn vị có xem xét các ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô (chẳng hạn như lạm phát) do vấn đề môi trường tác động đến doanh nghiệp (thiếu hụt nguyên liệu, giá sản phẩm tăng, người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác…); việc quản lý quy trình từ sản xuất đến bán sản phẩm bị ảnh hưởng do các quy định về môi trường; tác động tài chính của các rủi ro đã được xác định và dự báo như thế nào khi lập BCTC; Ban quản lý đã làm gì để đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến ESG và công khai thông tin trên BCTC…

Để có thể thu thập đầy đủ và chính xác nhất các thông tin trên, KTV cần chủ động trao đổi, phỏng vấn cá nhân hay các nhóm làm việc về tài chính, pháp lý hoặc phát triển sản phẩm của tổ chức. Ngoài ra, KTV cần đánh giá cả nguồn thông tin bên trong và bên ngoài (thông tin liên quan đến ESG được tiết lộ trong các báo cáo khác hoặc được quản lý truyền thông qua thông cáo báo chí và trang web). Các thông tin thu thập được sẽ là cơ sở cho việc xác định các rủi ro ảnh hưởng đến đơn vị và BCTC, từ đó thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp với bản chất, thời gian, mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá./.
         
Theo FASB, mối quan tâm đối với mỗi thành phần của ESG thường bao gồm: Môi trường liên quan đến quản lý rủi ro và cơ hội về khí hậu, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, chất thải; xã hội (thông tin về các giá trị và mối quan hệ kinh doanh của tổ chức, chất lượng và an toàn sản phẩm, vốn con người, sự đa dạng và hòa nhập); quản trị (thông tin về hệ thống các quy tắc, thông lệ, quy trình được kiểm soát, điều hành của ban giám đốc, khả năng phục hồi, các chính sách và thực tiễn liên quan đến chống hối lộ, tham nhũng…).

THÙY LÊ