Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020: Bất cập trong việc lập và giao dự toán
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 11:51, 08/09/2022
KTNN đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh tư liệu
Thiếu thuyết minh, cơ sở trong lập dự toán
Năm 2020, trên cơ sở công tác xây dựng kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS), TCTĐS lập kế hoạch, dự toán bảo trì KCHTĐS quốc gia cho phương án cần thiết tối thiểu là 4.373,4 tỷ đồng, bằng 136% ước thực hiện và dự toán giao năm 2019, trong đó, dự toán bảo dưỡng thường xuyên KCHTĐS là 3.157,9 tỷ đồng. Do nguồn ngân sách hạn hẹp nên TCTĐS được phân bổ dự toán hoạt động kinh tế đường sắt số tiền hơn 2.920,2 tỷ đồng, bằng 79% so với phương án cần thiết tối thiểu và 40% phương án tính đủ định mức; trong đó, bảo dưỡng thường xuyên KCHTĐS là 2.654,1 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, dự toán chi phí chung công tác bảo dưỡng thường xuyên chỉ đạt 50% chi phí nhân công trực tiếp song chưa thuyết minh rõ cơ sở lựa chọn (đối với trường hợp bảo dưỡng công trình chi phí tối đa bằng 66% chi phí nhân công trực tiếp sản xuất).
KTNN cũng chỉ ra, dự toán kinh phí bảo trì KCHTĐS tính bình quân cho các loại sản phẩm, chưa xét đến nội dung trạng thái kỹ thuật công trình đường sắt. Dự toán công tác bảo dưỡng thường xuyên đối với phần khối lượng nhà cung cầu, cung đường, cung thông tin tín hiệu thuộc tài sản của doanh nghiệp đầu tư, không thuộc đối tượng ngân sách nhà nước cấp kinh phí bảo trì theo quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP số tiền gần 8,5 tỷ đồng. Trong dự toán công trình sửa chữa định kỳ, TCTĐS chưa xếp loại mức độ ưu tiên theo quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT); có 23 công trình chuẩn bị đầu tư xây dựng năm 2020 với kinh phí 53 tỷ đồng chưa cập nhật trạng thái kỹ thuật hiện tại.
Bên cạnh đó, do chưa có định mức tính chi phí quản lý nên khi lập dự toán chi phí trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, TCTĐS chưa thuyết minh rõ. Một số chi phí như lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí thẩm tra phương án tác nghiệp kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên chưa phù hợp quy định.
Trong lập dự toán nâng cấp, cải tạo đường ngang theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 (Quyết định số 994), kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, 82 đường ngang với 205 tỷ đồng theo tỷ suất đầu tư 2,5 tỷ đồng/1 đường ngang nhưng thiếu thuyết minh cơ sở phương pháp tính; Bộ GTVT đã điều chỉnh bổ sung giảm hơn 108,4 tỷ đồng so với dự toán lập. Ngoài ra, 200 đường ngang có gác để sửa chữa, bổ sung thông tin, tín hiệu số tiền 523 tỷ đồng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung, chưa xét đến khả năng cân đối nguồn kinh phí, do vậy, năm 2020, Bộ GTVT không giao dự toán cho nhiệm vụ này.
Giao dự toán chưa kịp thời
Cùng với những bất cập trong công tác lập dự toán, đánh giá về công tác giao dự toán của Bộ GTVT, KTNN chỉ rõ, Bộ GTVT điều chỉnh dự toán từ Cục Đường sắt Việt Nam sang TCTĐS tại Quyết định số 705/QĐ-BGTVT ngày 17/4/2020 số tiền hơn 2.801,3 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng về công tác bảo trì KCHTĐS quốc gia. Trên cơ sở đó, TCTĐS ký hợp đồng đặt hàng với các công ty đường sắt, công ty cổ phần tín hiệu là chưa phù hợp với thời gian bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện ngay từ đầu năm, nhằm duy trì đảm bảo an toàn giao thông.
Việc giao dự toán kinh phí để nâng cấp, cải tạo công trình đường ngang theo Quyết định số 994 cũng chưa kịp thời dẫn đến công tác tổ chức thực hiện chậm, không kịp tiến độ, kinh phí gần như chưa sử dụng; số dư dự toán cuối năm là gần 97,8 tỷ đồng. Trong năm, Bộ GTVT không thực hiện phân bổ dự toán gần 111,3 tỷ đồng của các công trình đường ngang theo Quyết định số 994, do trước khi Bộ Tài chính phân bổ dự toán, các công trình chưa lập xong báo cáo kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên thiếu căn cứ cơ sở khi phân bổ dự toán nhiệm vụ này.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, việc bố trí dự toán kinh phí dự phòng khắc phục bão lũ gần 20,7 tỷ đồng, chiếm 0,7% trên tổng kinh phí được giao là chưa tuân thủ theo tỷ lệ quy định (từ 1-2% trên tổng số kinh phí được giao để dự phòng khắc phục bão lũ). Ngoài ra, Bộ GTVT giao điều chỉnh dự toán từ nhiệm vụ dự phòng khắc phục bão lũ cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất hơn 19 tỷ đồng là chưa phù hợp với thời gian quy định.
Đáng chú ý, Bộ GTVT giao dự toán 25 công trình chuẩn bị đầu tư nhưng trong năm không thực hiện hoặc thực hiện chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến cuối năm không giải ngân và số dư kinh phí bị hủy gần 1,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do một số công trình thẩm định phê duyệt báo cáo kỹ thuật nhưng chưa đáp ứng đầy đủ so với yêu cầu, dẫn đến phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần nên đến cuối năm chưa kịp thời phê duyệt để giải ngân.
Căn cứ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc giao dự toán kinh phí theo Quyết định số 994 không đảm bảo tiến độ thực hiện, phải hủy dự toán. Đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc bố trí dự toán kinh phí dự phòng khắc phục bão lũ chưa tuân thủ theo tỷ lệ quy định; điều chỉnh dự toán từ nhiệm vụ dự phòng khắc phục bão lũ cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đột xuất, dẫn đến trong năm phát sinh công trình khắc phục hậu quả bão lũ nhưng chưa có nguồn để thanh toán theo quy định./.