Tăng trưởng tín dụng Hỗ trợ các mục tiêu lớn nhưng vẫn kiểm soát rủi ro
Kinh tế - Ngày đăng : 11:51, 08/09/2022
(BKTO) - Nền kinh tế vẫn đang rất cần nguồn vốn để phục hồi tăng trưởng nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành tín dụng một cách linh hoạt, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hỗ trợ các mục tiêu lớn nhưng vẫn cần kiểm soát rủi ro.
Room tín dụng hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm. Ảnh sưu tầm
Tín dụng tăng chậm lại do cạn room
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 26/8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021. “Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua” - Báo cáo của NHNN nhấn mạnh. Tuy vậy, theo dõi diễn biến tín dụng từ đầu năm đến nay, đặc biệt là thời gian gần đây, nhiều chuyên gia nhận định: Tín dụng có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong quý III/2022. Tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong hơn một tháng rưỡi, tín dụng tăng thêm không đáng kể so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng nửa đầu năm.
Theo giới phân tích, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm lại là do nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng được NHNN cấp hồi đầu năm nên buộc phải “co kéo” trong hạn mức ít ỏi để hỗ trợ khách hàng. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam đã lên tới 14,4%.
Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã dùng hết 6% trong tổng số 7% room tín dụng được phân bổ. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng sử dụng hết 90% hạn mức ngay từ cuối tháng 5. Trong 3 tháng qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng luôn phải tính toán việc giải ngân cho vay để không vượt room tín dụng đã được NHNN cấp là 10% và đến thời điểm này, room tín dụng gần như đã cạn nên khi thu hồi được nợ, Ngân hàng mới tính đến việc giải ngân cho các khoản vay tiếp theo.
Ở nhóm tư nhân, tình trạng này còn căng thẳng hơn khi nhiều ngân hàng thậm chí còn gần như hết room trong quý II. Đơn cử, đến hết tháng 6/2022, Ngân hàng TMCP An Bình đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được NHNN thông báo từ đầu năm và đã gửi công văn xin nới room lên cơ quan quản lý. Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn gấp đôi cùng kỳ và đã tiệm cận hạn mức được cấp. Một số ngân hàng khác cũng trong tình trạng tương tự. Room tín dụng hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trên cả nước nói chung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Bám sát các mục tiêu vĩ mô quan trọng để điều hành
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2022 là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, Nhóm phân tích của VDSC đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
PGS,TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - nhận định: Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao dẫn đến chi phí kinh doanh tăng theo, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh là tất yếu. “Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN cần thận trọng, linh hoạt và khéo léo điều hành tín dụng theo tín hiệu của thị trường. Vấn đề quan trọng trong điều hành tín dụng là bảo đảm được mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động” - PGS,TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng phải được xem xét cùng các biến động khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng và kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng. Phương châm điều hành tín dụng này luôn được NHNN giữ vững.
Thời gian qua, NHNN cũng liên tục phát đi thông điệp đảm bảo tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2022, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu này đã được NHNN nhắc lại trong Thông cáo báo chí phát đi ngày 07/9 với quan điểm: Tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát lạm phát và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán dầu khí (PSI) cho rằng, khả năng cao lạm phát cả năm 2022 vẫn sẽ được kiểm soát, tạo điều kiện để NHNN nới lỏng hơn room tín dụng những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo PSI, dư địa tăng không nhiều do NHNN kiên định với mức tăng trưởng chung toàn ngành là 14% để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát./.
Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo tới các tổ chức tín dụng này. |
THÀNH ĐỨC