Deloitte thúc đẩy phát triển bền vững tại ASEAN và Việt Nam

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:36, 10/09/2022

(BKTO) - Cùng với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác, bà Ng Jiak See - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn tài chính, Deloitte châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại sự kiện Nhịp cầu ASEAN++.


                
   

Nguồn: Deloitte

   

ASEAN - Mảnh đất màu mỡ cho đầu tư và thương mại

Trong thập kỷ qua, ASEAN đã phát triển nhanh chóng, phần lớn nhờ vào vị trí địa lý độc nhất và môi trường kinh doanh thuận lợi. Nếu xét ASEAN là một thị trường hợp nhất, khu vực này hiện nay là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với tổng giá trị đạt 3,2 nghìn tỷ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Hơn nữa, khu vực này còn đang trên lộ trình trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030 , vượt qua cả Nhật Bản.

Tăng trưởng FDI của khu vực ASEAN được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư mạnh mẽ chủ yếu vào Singapore, Indonesia và Việt Nam. Vốn FDI chảy vào ba quốc gia này chiếm 80% tổng dòng vốn vào năm 2019. So với các thị trường mới nổi, ASEAN là khu vực nhận được dòng vốn FDI lớn nhất. Mặc dù chịu tác động của Covid-19 nhưng năm 2021, dòng vốn FDI chảy vào ASEAN vẫn đạt mức tương đương trước đại dịch là 175 tỷ USD.

Có thể thấy, ASEAN đang là tâm điểm của sự chú ý. Khu vực này đang là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư đang phát triển, mở rộng trên phạm vi toàn cầu nhờ vào thực tế vấn đề thu hút đầu tư được quan tâm, vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng thực hiện các hoạt động kinh doanh, có ưu đãi thuế và các hiệp định thương mại tự do (FTA).
                
   

Bà Ng Jiak See nhấn mạnhASEAN đang trong thời điểm có tính quyết định. Ảnh: Deloitte

   

Tuy nhiên, để có thể phát huy những lợi thế, ASEAN cần hành động ngay bây giờ. Theo Báo cáo Bước ngoặt Đông Nam Á (Turning Point) của Deloitte, khu vực ASEAN đang ở trong thời điểm có tính quyết định. Để tình trạng biến đổi khí hậu không gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực (ước tính lên đến 28 nghìn tỷ USD) trong vòng 50 năm tới, ASEAN cầnchung tay hành động ngay hôm nay để hướng đến một nền kinh tế phát thải thấp.

BàNg Jiak See cho rằng: Nếu hành động ngay bây giờ, ASEAN có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực, nguồn tài chính bền vững sẽ hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có. Điều này sẽ giúp khai phá những tài sản bền vững, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển hóa thành một nền kinh tế phát thải thấp.

Đồng thời, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững, tăng cường sức hấp dẫn của các khoản đầu tư trong mắt các nhà đầu tư, giúp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn. "Đây sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục", đại diện Deloitte châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Những kế hoạch hành động của Deloitte tại Việt Nam
                
   

Nguồn: Deloitte

   

Hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, Deloitte đã công bố việc mở rộng đầu tư đáng kể cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (Sustainable & Climate), bao gồm khoản đầu tư 1 tỷ USD vào các dịch vụ liên quan tới khách hàng, nghiên cứu thu thập dữ liệu, đầu tư tài sản và năng lực.

Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế tại ASEAN có tốc độ phát triển nhanh nhất và cũng là một trong ba quốc gia tại ASEAN thu hút được dòng vốn đầu tư FDI. Hơn nữa, Việt Nam cũng là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia khi muốn cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Hoạt động của các DN đa quốc gia đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế hằng năm 6-7% của Việt Nam trong vòng hơn thập kỷ qua .

Trên nền tảng đó, Deloitte Việt Nam đã ra mắt dịch vụ Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate) nhằm hỗ trợ các DN đa quốc gia cũng như các DN Việt Nam xác định và triển khai lộ trình phát triển bền vững hơn. Theo đó,Deloitte đã hỗ trợ các DNtừ việc xác định lại chiến lược, lồng ghép các cân nhắc bền vững vào hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về thuế, công bố thông tin và quy định, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức và chuỗi giá trị.
                
   

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh cảnh báo việc Việt Nam dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ảnh: Deloitte

   

Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam - cho biết: Việt Nam là một điểm đến của đầu tư và thương mại nhờ sở hữu những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động, ổn định chính trị và điều kiện văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Vì vậy, tất cả các bên gồm Chính phủ, DN, người dân cần chung tay hành động chống lại biến đổi khí hậu ngay hôm nay. Những hành động được triển khai rộng rãi và ngay lập tức sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết đạt mức phát triển ròng của Việt Nam vào năm 2050.

Deloitte Việt Nam đã triển khai hoạt động liên quan đến chiến lược WorldClimate (sáng kiến của Deloitte toàn cầu nhằm đưa ra các hoạt động có trách nhiệm với những vấn đề liên quan tới khí hậu, áp dụng cho nội bộ và bên ngoài công ty), đồng thời có những dịch vụ để đồng hành với khách hàng, hướng tới một tương lai phát triển bền vững.

"Hành động vì khí hậu ngày hôm nay không phải là chi phí, mà là nguồn vốn đầu tư để mở ra những cơ hội và giá trị lớn hơn trong tương lai" - bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh./.
THÙY LÊ