Cần siết quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh
Chính trị - Ngày đăng : 21:35, 13/09/2022
(BKTO) - Thời gian qua, liên tiếp những vụ cháy nổ xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ thiêu rụi tài sản, những con số thương vong về người, trong đó không ít nạn nhân ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ đã để lại nỗi ám ảnh nặng nề về “giặc lửa” trong tâm trí người ở lại... Đối với các đô thị lớn như TP. Hà Nội, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu với sự tồn tại của loại hình nhà ở kết hợp với kinh doanh - chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ việc cháy nổ hiện nay.
Các vụ cháy nổ xảy ra đều dẫn đến nguy cơ gây hậu quả nặng nề đến tài sản, tính mạng người dân. Ảnh sưu tầm. |
Hậu quả nặng nề
Đau xót, ám ảnh - đó là tâm trạng của nhiều người khi nhắc đến hậu quả của vụ hỏa hoạn làm 03 chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) quận Cầu Giấy (Công an TP. Hà Nội) hy sinh khi cứu người bị nạn khỏi đám cháy. Mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Bình Dương làm 32 người chết; vụ cháy tại khu vực kinh doanh chăn ga kết hợp với nhà ở làm 3 mẹ con trong một gia đình tử vong tại huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) là một số vụ cháy để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây ám ảnh đối với người dân chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
Cả 03 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này đã được cơ quan điều tra khởi tố để điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Song theo đánh giá bước đầu, các vụ cháy đều có dấu hiệu vi phạm quy định về PCCC&CNCH.
Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, riêng 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, 52 người bị thương. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 76 vụ (chiếm 56,7%); nông thôn xảy ra 58 vụ (chiếm 43,3%). Số vụ cháy tại nhà dân chiếm 40,3% (54/134 vụ), số vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 18,66% (25/134 vụ) còn lại là cháy tại các loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, karaoke...
Với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn Thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống, trong đó có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh. Nguy cơ cháy nổ vì thế luôn thường trực và là thách thức rất lớn đối với công tác quản lý PCCC của Thành phố.
Loại hình nhà ở kết hợp với kinh doanh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao do đặc thù là nhà ống, chứa nhiều vật liệu dễ cháy. Ảnh: N.LỘC |
Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có đến hàng chục nghìn ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh. Đi dọc các tuyến phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Đăng Ninh... dễ dàng trông thấy những ngôi nhà kết hợp để ở với kinh doanh len lỏi sâu vào từng ngõ, ngách sâu hun hút. Trong đó, đa số là các hàng bán tạp hóa, quần áo, chăn đệm... với các vật dụng rất dễ bén lửa. Nhìn nhận rõ nguy cơ cháy nổ, song theo lãnh đạo một số phường trên địa bàn, việc bố trí nhà ở kết hợp với kinh doanh là bất đắc dĩ để người dân có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và chính quyền địa phương rất khó can thiệp sâu hơn. “Ngoài giải pháp là tăng cường kiểm tra việc trang bị các trang, thiết bị PCCC cơ bản, địa phương cũng tập trung tuyên truyên, nhắc nhở người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong PCCC để bảo vệ sự an toàn cho bản thân và gia đình” – một lãnh đạo UBND phường trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết.
Cần siết quy định, không thể trông chờ vào ý thức của người dân
Từ thực tế số vụ cháy nổ liên quan đến nhà ở kết hợp với kinh doanh ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia, luật sư cũng cho rằng, tại các đô thị lớn nhà Hà Nội cần có quy định các điều kiện an toàn PCCC cụ thể đối với loại hình nhà ở này, thay vì chỉ trông chờ vào ý thức của người dân như hiện nay. “Do đặc thù của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, song không thuộc diện phải đáp ứng yêu cầu bắt buộc nghiệm thu PCCC như các dự án, nên việc có quy định riêng đối với các trường hợp này là rất cần thiết” - luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh, đồng thời thông tin thêm rằng, phần lớn số vụ cháy vừa qua là do ý thức phòng ngừa của người dân còn thấp, còn chủ quan với PCCC.
Trong khi chờ đợi quy định mới, các ý kiến cũng cho rằng, các cấp các ngành, UBND cấp quận, huyện, và nhất là UBND cấp xã đã được phân cấp quản lý theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC cần thực hiện hết trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực PCCC để nâng cao tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, cố tình vi phạm; đồng thời, nâng cao năng lực giám sát, quản lý đối với nhà ở kết hợp kinh doanh về PCCC, kịp thời điều chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm.
Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy Nguyễn Trường Sơn lưu ý, với tình hình như hiện nay, các vụ cháy nghiêm trọng vẫn có nguy cơ rất cao. Đặc biệt, hiện đang trong cao điểm mùa mưa bão nên tiềm ẩn nhiều hiểm họa về cháy, nổ do chập điện. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là trong việc chấp hành quy định về an toàn PCCC. Đây thực sự là thách thức rất lớn trong nỗ lực ngăn ngừa cháy nổ hiện nay.
Tại buổi ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” mới đây, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy cho biết, mô hình được thành lập nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn phường vai trò, trách nhiệm, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho các gia đình tại khu dân cư; đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân chính là giải pháp then chốt để giảm nguy cơ hỏa hoạn. “Nếu xảy ra cháy, hậu quả là khôn lường, thậm chí dẫn đến tử vong về người và thiệt hại rất lớn về tài sản. Đừng để một phút lơ là khiến chúng ta phải ân hận, day dứt suốt đời” – ông Duy lưu ý.
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 5.368 khu dân cư/579 xã, phường, thị trấn, trong đó có 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, sự tồn tại của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh với đặc điểm là xây dựng tự do, chủ yếu là nhà hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, nằm trong ngõ nhỏ trong khu dân cư và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép…, do đó thường để lại hậu quả nghiêm trọng khi không may có cháy. |
NGUYỄN LỘC