Cà Mau: Cấp bách phòng chống sạt lở bờ biển

Kinh tế - Ngày đăng : 17:51, 14/09/2022

(BKTO) - Cà Mau có 3 mặt giáp biển với 250 km bờ biển, nhưng có đến 171 km bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Mỗi năm, địa phương này mất đi diện tích đất rừng tương đương một xã. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?


                
   

Hộ đê biển Tây khẩn cấp khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Báo Cà Mau

   

Mỗi năm mất 300-450 ha đất rừng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN &PTNT) tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam, mặc dù hiện tại chưa có cơn bão nào, nhưng địa phương đã huy động mọi nguồn lực để sẵn sàng ứng phó thiên tai.

“Tỉnh đang tranh thủ gia cố lại mái đê biển Tây. Riêng những điểm/đoạn đê nguy hiểm, lực lượng hộ đê đã cho tập kết đá hộc gần đó. Khi có tình huống là dùng xe ủi xuống ngay để xử lý” - ông Tô Quốc Nam thông tin.

Cà Mau có 250 km bờ biển, nhưng có đến 171 km bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Số liệu của Sở NN&PTNT cho thấy, chỉ tính từ năm 1996 đến năm 2017, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã làm địa phương mỗi năm mất 300-450 ha đất rừng phòng hộ ven biển, tương đương diện tích bình quân của một xã.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng thiên tai ngày càng nguy hiểm khiến tình trạng sạt lở mỗi năm một thêm nghiêm trọng trên toàn tuyến ven biển Cà Mau.

Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng - ông Huỳnh Văn Xê - cho hay, đơn vị quản lý hơn 37 km rừng phòng hộ chạy dọc bờ biển xã Tân Ân, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển. Chỉ từ năm 2014 đến nay, có ít nhất hơn 500 ha rừng phòng hộ bị mất do sạt lở, có nơi sạt lở sâu vào hơn 30 m như cửa Bồ Đề, Hóc Năng…

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều, Sở NN&PTNT - ông Bùi Văn Đông - nhấn mạnh, qua khảo sát và quan trắc chiều dài bờ biển Tây, hiện có khoảng 89 km bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Trong đó, đoạn đê từ vàm Đá Bạc đến bờ Bắc Kênh Mới là một trong những trọng điểm về sạt lở khi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào mái đê, một số nơi cây rừng lâu năm đã bị đánh bật gốc. Khu vực này luôn trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Mỗi năm, không biết bao nhiêu đất, đá, cừ tràm… được đổ xuống đây để xử lý, nhưng không bao lâu đã bị sóng biển cuốn trôi.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, ở bờ biển Đông, trong tổng số hơn 142 km chiều dài hiện nay cũng có hơn 82 km trong tình trạng sạt lở. Đặc biệt, nguy hiểm hơn khi khu vực này chưa có đê kè như bờ Biển Tây. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn cần phải được bảo vệ cấp bách như: Đoạn từ Kênh Chốn Sóng đến Kênh Năm Ô Rô thuộc xã Viên An; Đoạn từ cửa sông Bồ Đề đến cửa Sông Hố Ruồi thuộc xã Tam Giang Đông... Theo đó, buộc phải cấp bách xây kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8 km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - ông Lê Văn Sử - cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp và cũng đã huy động nhà thầu làm, nhưng giờ chưa biết tiền ở đâu, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh đã phục vụ hết cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
                
   

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Cà Mau

   

Cần thêm nhiều nguồn lực

Theo ông Tô Quốc Nam, rất khó để khôi phục lại những cánh rừng đã mất. Hiện tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ đê biển, bảo vệ dân, trong đó chú trọng đến giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, với chiều dài bờ biển lên đến 250km, dù áp dụng giải pháp nào cũng cần có nguồn lực, mà hiện tại tỉnh khó có thể bố trí vốn để thực hiện, khi nhu cầu cấp bách hiện nay lên đến hơn 1.700 tỷ đồng.

Ông Tô Quốc Nam cho biết thêm, mới đây, UBND tỉnh đã có Tờ trình hỏa tốc gửi Trung ương về việc xin hỗ trợ 413,3 tỷ đồng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Theo đó, cần gấp 36,9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình trong tình huống khẩn cấp về thiên tai được tỉnh công bố ngày 20/7/2022; cần hỗ trợ gấp 376,4 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình bảo vệ an toàn tuyến biển Tây.

Đối với bờ biển Đông, địa phương đề xuất sử dụng nguồn thuộc Dự án “Xây dựng hạ tầng bảo vệ bờ biển tổng hợp, phòng chống xói lở, chống mất đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biển đổi khí hậu” từ nguồn ODA của Chính phủ Đức để đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông là 38,8km, kinh phí dự kiến 1.308 tỷ đồng.

Hiện nay, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị giao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, từ việc nghiên cứu, xây dựng… cho đến trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để ra cơ chế đặc thù cần rất nhiều thời gian. Trong khi tình trạng sạt lở bờ biển của tỉnh đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

"Những năm qua, tỉnh đã mời gọi rất nhiều doanh nghiệp tham gia khắc phục sạt lở bờ biển. Tiêu biểu hiện nay, tại khu vực Ðá Bạc có mô hình thí điểm năng lượng mặt trời từ công nghệ của Nhật Bản sau kè biển. Sau hơn 01 năm triển khai, chủ đầu tư khẳng định mô hình này đang mang lại hiệu quả. Theo đó, họ sẵn sàng đầu tư cho tỉnh tuyến kè biển cách bờ khoảng 150m và xin được sử dụng một nửa diện tích bên ngoài để xây dựng năng lượng mặt trời, phần còn lại khôi phục rừng phòng hộ. Nếu tính ra, rõ ràng đề xuất này mang lại rất nhiều lợi ích, vừa không tốn ngân sách để xây dựng kè, vừa có được dự án điện năng lượng mặt trời và đặc biệt là khôi phục được rừng phòng hộ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chia sẻ./.
HỒNG NHUNG