Sửa quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính trị - Ngày đăng : 03:50, 15/09/2022

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 60) quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL).


                
   

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu và việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị SNCL. Ảnh: Internet.

   

Nghị định 60 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn nguồn tài chính của đơn vị SNCL, tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công, gồm: Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công; thu từ cho thuê tài sản công...

Tuy vậy, năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các đơn vị SNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Do vậy, việc nghiên cứu, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 60 là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định khi được ban hành sẽ khắc phục một số hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định 60; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL, qua đó nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Dự thảo sửa đổi quy định về nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công nhóm 1, nhóm 2 để đảm bảo bao quát các trường hợp đơn vị nhóm 2 vẫn được giao kinh phí thực hiện các chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về trích lập quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị nhóm 2 bởi lẽ theo quy định hiện hành, các đơn vị nhóm 2 thực hiện trích lập quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản đóng góp.

Quy định này không khác biệt so với mức trích của đơn vị nhóm 3. Theo đó, tiếp thu ý kiến tham gia của các địa phương, để khuyến khích đơn vị nhóm 3 chuyển đổi mức độ tự chủ lên nhóm 2; đồng thời, đảm bảo ổn định mức chi trả thu nhập tăng thêm của đơn vị đã thực hiện trong năm 2021 trở về trước, cần sửa lại quy định về mức chi trả thu nhập của đơn vị nhóm 2 tối đa không quá 3 lần.

Dự thảo bổ sung điểm d khoản 1 Điều 15 về nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 để đảm bảo bao quát các trường hợp đơn vị nhóm 3 vẫn được giao kinh phí thực hiện các chương trình, dự án.

Dự thảo cũng bổ sung các quy định về nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công nhóm 4 (nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) để phù hợp với thực tế một số đơn vị nhóm 4 vẫn có nguồn thu này; chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công nhóm 4 như quy định đối với các đơn vị nhóm 1, 2, 3 cho phù hợp với thực tế.

Quy định về "Giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị SNCL" được sửa đổi, bổ sung như sau: Sau mỗi thời kỳ ổn định (5 năm), các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 theo lộ trình hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN đối với phần kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc.../.
THÙY ANH