Giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:05, 15/09/2022

(BKTO) - Các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm mọi cách phá hoại Đảng, nhất là vấn đề kỷ luật Đảng. Chúng xuyên tạc, vu khống cho rằng Đảng không có kỷ luật hay chỉ lợi dụng kỷ luật để đấu đá nội bộ hoặc bao che cho nhau.
http-media.baokiemtoannhanuoc.vn-files-library-images-site-3-20220915-2-.jpg
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban cán sự đảng KTNN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN

Thực ra kỷ luật của Đảng Cộng sản rất nghiêm minh, thật sự là kỷ luật sắt.

Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn quan tâm đến vấn đề kỷ luật Đảng. Lênin đặc biệt chú ý tiến hành duy trì kỷ luật, sàng lọc đội ngũ đảng viên trong Đảng Cộng sản. Theo Lênin: “Kẻ nào làm yếu - dù chỉ là chút ít - kỷ luật sắt của Đảng, của giai cấp vô sản… là thực tế đã giúp cho giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản”. Lênin còn nêu rõ vai trò quan trọng của quần chúng trong xây dựng Đảng: “Đối với việc đánh giá người và gạt bỏ những “kẻ chui vào Đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài Đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài Đảng nữa, rất là quý báu”. Thái độ của Lênin rất kiên quyết: “Tôi mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi Đảng từ 10 đến 20 vạn người đã len lỏi vào Đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này nữa”. Chỉ tính trong đợt thanh Đảng đầu tiên vào cuối năm 1921, Lênin cùng Đảng Cộng sản Nga đã thanh lọc ra khỏi hàng ngũ của mình gần 25% tổng số đảng viên trong toàn Đảng (khoảng 170.000 đảng viên).

Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên chỉ rõ vai trò, vị trí quan trọng của kỷ luật Đảng. Người khẳng định: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến hành thì chỉ như một người. Đó là nhờ kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta cần phải ra sức giữ gìn kỷ luật của Đảng”. Người yêu cầu kỷ luật của Đảng phải thật sự nghiêm minh, tự giác, trong đó cán bộ phải luôn gương mẫu, đi đầu. Kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng 3/2/1969, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm quan trọng: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Trên thực tiễn, kỷ luật của Đảng đã luôn được duy trì tốt, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đem lại những kết quả thiết thực. Chỉ tính trong hơn 10 năm qua, chúng ta đã thực hiện có hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Nhìn chung, Đảng chủ động tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp đã kiểm tra hơn 24.700 tổ chức đảng, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2021 và hơn 106.000 đảng viên, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đảng luôn chú trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong tổ chức đảng và đảng viên. Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban kiểm tra các cấp trên toàn quốc kiểm tra 1.017 tổ chức đảng và gần 3.600 đảng viên. Công tác xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên cũng được duy trì chặt chẽ, nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp ủy và chi bộ theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 142 tổ chức đảng và gần 6.520 đảng viên.

Qua công tác kiểm tra, kỷ luật, Đảng cũng đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, tạo điều kiện để nhiều tổ chức đảng và đảng viên sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, phấn đấu tiến bộ. Đảng ta đã thực hiện đúng lời chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Kinh nghiệm và bài học thực tiễn chỉ ra rằng: Để có kỷ luật sắt thì đòi hỏi Đảng phải thường xuyên có quyết tâm cao cùng các biện pháp đồng bộ, kiên quyết, kịp thời.

Trước hết, cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hiểu rõ, nắm chắc về kỷ luật và các giải pháp duy trì kỷ luật Đảng. Chỉ có trên cơ sở nắm được mục đích, yêu cầu, tác dụng, quy định của kỷ luật Đảng thì cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng mới thật sự tự giác, thực hiện, chấp hành nghiêm túc kỷ luật Đảng. Bên cạnh đó, cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể, phù hợp về nội dung, phương pháp tiến hành kỷ luật Đảng nhằm bảo đảm tính thường xuyên và sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Mới đây, ngày 06/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật Đảng, đảng viên vi phạm, được dư luận trong và ngoài Đảng đánh giá cao.

Cần phát huy vai trò của tổ chức đảng trong duy trì và tiến hành các giải pháp bảo đảm sự cần thiết, nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Trong đó chú trọng, tăng cường vai trò của chi bộ. Bởi chi bộ gần gũi nhất, gắn chặt nhất với cán bộ, đảng viên, bởi chi bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là nền tảng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Đồng thời, phải nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Sự giám sát, góp ý, phê bình của quần chúng nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều 4 của Hiến pháp nước ta đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Vấn đề đặt ra là Đảng cần xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phù hợp, tạo mọi thuận lợi để nhân dân có thể tham gia xây dựng Đảng được tốt nhất.

Duy trì tốt công tác xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời kỷ luật của Đảng để đem lại những tác dụng to lớn, thiết thực. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.

Thời gian qua, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ KTNN; Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Chương trình hành động số 41-Ctr/BCSĐ và Đảng ủy KTNN đã ban hành Chương trình hành động số 169-Ctr/ĐU để cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, công tác kiểm tra đảng luôn được quan tâm với nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, hiệu quả. Bài học kinh nghiệm thành công nhiệm kỳ trước của Đảng ủy KTNN là tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, chỉ thị của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngành. Trong nhiệm kỳ vừa qua, hằng năm thường có từ 60-70% tổ chức cơ sở đảng được kiểm tra, giám sát. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương qua kiểm tra, giám sát định kỳ đánh gia công tác kiểm tra của Đảng bộ KTNN là nền nếp, bài bản, có chiều sâu. Vừa qua, Đảng bộ KTNN tích cực phối hợp cùng Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị thực hiện tốt công tác kiểm tra nhằm chỉ ra những ưu điểm cũng như hạn chế, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

CÔNG MINH