Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020: Thiếu điều kiện đặt hàng, tiến độ thi công Và quyết toán công trình còn chậm
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 11:21, 15/09/2022
KTNN đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấn chỉnh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quyết toán các công trình. Ảnh sưu tầm
Chưa ban hành điều kiện đặt hàng sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên
Theo Báo cáo kiểm toán, năm 2020, TCTĐS thực hiện đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho các công ty cổ phần đường sắt, các công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt năm 2020 phù hợp với kế hoạch bảo trì đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Tuy nhiên, TCTĐS chưa ban hành điều kiện đặt hàng sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt với đơn vị được giao đặt hàng theo quy định của Chính phủ; chưa có hướng dẫn chi tiết lập hồ sơ phương án giá sản phẩm dịch vụ công và phương án tác nghiệp.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, công tác phê duyệt phương án giá, nghiệm thu quyết toán kinh phí bảo trì thường xuyên một số vật tư tính vượt khối lượng hao phí vật tư so với định mức quy định 236,8 triệu đồng, chưa điều chỉnh đơn giá nhiên liệu theo đơn giá thực tế 339,8 triệu đồng; chi phí máy đo EM120 chưa có trong định mức chi phí ca máy được cấp có thẩm quyền phê duyệt 466,5 triệu đồng.
Trong công tác sửa chữa định kỳ, đột xuất, khắc phục sự cố bão lụt, thiên tai và cứu nạn, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số hạn chế. Cụ thể, thời gian thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chậm; quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán còn thiếu một số nội dung. Đặc biệt, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán giá gói thầu một số hạng mục tính trùng, thừa khối lượng, định mức so với bản vẽ thiết kế thi công, làm tăng dự toán số tiền 677 triệu đồng (dự toán giá gói thầu theo kết quả kiểm toán thấp hơn so với giá trúng thầu 452 triệu đồng).
Cần đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết toán công trình
KTNN chỉ ra rằng, TCTĐS chưa thực hiện đấu thầu qua mạng 5 gói thầu xây lắp; thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu chậm. Trong ký kết hợp đồng xây dựng, hợp đồng gói thầu xây lắp của một số công trình sửa chữa định kỳ chưa thỏa thuận điều khoản giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, điều kiện thanh toán theo quy định. Hợp đồng tư vấn thiết kế một số công trình sửa chữa định kỳ chưa có điều khoản quy định trách nhiệm các bên trong việc xử lý đền bù đối với tính toán sai khối lượng, số lượng công việc khi áp dụng hợp đồng xây lắp trọn gói theo quy định của Luật Đấu thầu.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, tiến độ thực hiện một số công trình sửa chữa định kỳ và gói thầu còn thực hiện chậm so với quy định phê duyệt công trình đầu tư, cam kết trong hợp đồng ban đầu. Nguyên nhân chậm tiến độ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công, kinh phí bố trí chưa đáp ứng tiến độ... Chủ đầu tư đã báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận gia hạn tiến độ thi công công trình.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị TCTĐS chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các bất cập đã được KTNN chỉ ra. Trong đó, TCTĐS cần xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết trình tự lập hồ sơ, phương án giá sản phẩm dịch vụ công và phương án tác nghiệp; rà soát, đối chiếu giá trị phương án tác nghiệp so với giá trị sản phẩm theo phương án giá được duyệt, làm căn cứ khi chấp thuận. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để các công trình sửa chữa định kỳ hoàn thành đúng tiến độ, nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng; đảm bảo mục tiêu đầu tư và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quyết toán hoàn thành công trình theo quy định.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, kết quả kiểm toán chỉ ra, công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành còn chậm. Tính đến hết tháng 9/2021, có 154 công trình hoàn thành đã bàn giao hồ sơ nhưng chưa được Cục Đường sắt Việt Nam thẩm tra phê duyệt quyết toán theo quy định, trong đó có 41 công trình sửa chữa định kỳ và 113 công trình nâng cấp, cải tạo đường ngang theo Quyết định số 994/QĐ-TTg. Đặc biệt, có những công trình bàn giao hồ sơ từ năm 2017, 2018 nhưng chưa được quyết toán. Theo Cục Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân là do tại thời điểm đó, nhân sự làm công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành còn thiếu, số lượng công trình đề nghị phê duyệt trong 2 năm tăng nhiều, nên công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán công trình chậm so với quy định./.