Thực thi các quy tắc đạo đức để đảm bảo chất lượng kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:21, 15/09/2022
(BKTO) - Thực tiễn cho thấy, chất lượng kiểm toán toán chịu sự chi phối bởi ý thức đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên (KTV). Sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp một cách chủ động và tận tâm của KTV sẽ tạo ra uy tín và chất lượng cho cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả đạo đức nghề nghiệp không chỉ phụ thuộc vào thái độ, ý thức, khả năng học hỏi của KTV…
Chất lượng kiểm toán là yếu tố quan trọng tạo niềm tin đối với công chúng và các bên liên quan cũng như uy tín cho công ty kiểm toán. Khái niệm này được tiếp cận dưới nhiều quan điểm, góc độ khác nhau.
Mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp
Theo đánh giá của Cơ quan Kiểm toán nhà nước Hoa Kỳ (GAO), cuộc kiểm toán chất lượng là cuộc kiểm toán được thực hiện với những chuẩn mực nghề nghiệp nhằm đảm bảo những báo cáo tài chính được kiểm toán và những công bố liên quan được trình bày phù hợp với nguyên tắc kế toán được chấp nhận, không có sai phạm trọng yếu do sai sót hoặc gian lận.
Tại Việt Nam, Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 220 - Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính - do Bộ Tài chính ban hành nêu rõ: Chất lượng hoạt động kiểm toán là mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của KTV; đồng thời thỏa mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của KTV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý.
Có thể thấy, các quy định về chất lượng kiểm toán được tiếp cận dưới nhiều góc độ, quan điểm khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào 3 yêu cầu: Đảm bảo khả năng phát hiện và báo cáo sai sót trên báo cáo tài chính; mức độ tuân thủ chuẩn mực kiểm toán; kết hợp mức độ tuân thủ chuẩn mực và mức độ đảm bảo về khả năng phát hiện và báo cáo sai sót trọng yếu.
Rõ ràng, chất lượng kiểm toán toán chịu sự chi phối mạnh mẽ của công ty kiểm toán và KTV. Xuất phát từ phía KTV, để đảm bảo cuộc kiểm toán chất lượng, bên cạnh việc có đủ năng lực chuyên môn, KTV cần tuân thủ và thực hiện đạo đức nghề nghiệp một cách chủ động và tận tâm. Nếu các KTV thực hiện các quy tắc đạo đức chỉ vì bị ép buộc thì họ không thể tận tâm và thực hiện một cách khách quan nhiệm vụ kiểm toán.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện tại các công ty kiểm toán hàng đầu như Big Four (nghiên cứu của Kosmala và Herrbach, 2006) cũng khẳng định tính chuyên nghiệp của KTV ảnh hưởng cùng chiều với chất lượng kiểm toán. Hay nghiên cứu của Aliasghar Nasrabadia and Aliakbar Arbabianb (2015) cũng đã chỉ ra mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV. Theo đó, chất lượng kiểm toán tăng khi KTV đảm bảo tính bảo mật, năng lực và gia tăng trách nhiệm giải trình.
Nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan
Có thể khẳng định, đạo đức nghề nghiệp của KTV và chất lượng kiểm toán có mối quan hệ cùng chiều. Để đạo đức nghề nghiệp góp phần gia tăng giá trị của cuộc kiểm toán, cần có sự tham gia của KTV và các bên liên quan gồm công ty kiểm toán, các hiệp hội, các cơ quan quản lý.
Theo đó, KTV cần không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa học nâng cao nghiệp vụ, đồng thời thường xuyên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp về việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. KTV chỉ có thể rút kinh nghiệm khi chủ động tiếp cận với thực tế hoạt động kiểm toán để hình thành kiến thức cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, KTV luôn có thái độ, ý thức cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế để trở thành KTV chuyên nghiệp, có đầy đủ phẩm chất khách quan, độc lập, vô tư, công bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm.
Các hội nghề nghiệp cần phát huy vai trò chủ động, tuyên truyền, tư vấn, khuyến cáo đến các KTV về việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức trong quá trình tác nghiệp. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, đặc biệt là phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế có kinh nghiệm trong việc áp dụng các chuẩn mực đạo đức; tăng cường kiểm tra, giám sát các hội viên, KTV trong hoạt động nghề nghiệp.
Để đảm bảo các cơ chế, quy định rõ ràng, đầy đủ, cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành các văn bản pháp quy về hành nghề, trong đó nhấn mạnh vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức và hội nghề nghiệp; đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các KTV vi phạm các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, nền kinh tế và thị trường tài chính.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế tiếp nhận, giải quyết khiếu nại công khai và hiệu quả cho phép phản ánh về các hành vi không chuyên nghiệp hoặc phi đạo đức. Tăng cường tuyên tuyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực nghề nghiệp đối với một số nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Các công ty kiểm toán cần xây dựng văn hóa tổ chức với các chính sách, chế độ tốt, có chế tài khen thưởng và xử phạt nghiêm khắc trong quá trình thực hành đạo đức nghề nghiệp. Các DN kiểm toán cũng phải liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở đào tạo, các tổ chức nghề nghiệp trong quá trình tuyên truyền, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc vận hành các vấn đề về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp./.
Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), KTV có trách nhiệm thực hiện các hoạt động nghề nghiệp một cách tốt nhất để đảm bảo lợi ích công chúng. Mỗi KTV cần nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng trong việc thực thi quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bởi nó gắn liền với chất lượng của cuộc kiểm toán cũng như uy tín của chính họ. Từ đó, IFAC đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức với các nguyên tắc cơ bản KTV cần tôn trọng. Đó là: Tính chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn và sự cẩn trọng, bảo mật và tác phong chuyên nghiệp. |
TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hang