Cà Mau coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 15/09/2022
(BKTO) - Chiều ngày 14/9, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh Hội nghị chuyển đổi số tỉnh Cà Mau chiều 14/9/2022. Ảnh: camau.gov.vn. |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Thành Ngại cùng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 150 điểm cầu 3 cấp từ tỉnh đến xã trong toàn tỉnh với hơn 3.000 đại biểu tham gia.
Hội nghị nhằm triển khai những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh. Qua đó, huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa chủ trương, quy định của CĐS vào đời sống.
Năm 2025, Cà Mau cơ bản số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, tại Cà Mau, hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 3 cấp và kết nối với trung ương; 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; các ứng dụng triển khai trên nền tảng di động phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp bước đầu được xây dựng, đưa vào vận hành, như: Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), chữ ký số, phòng họp trực tuyến...
Cũng theo Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng hệ thống vận hành của chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc triển khai, ứng dụng các hệ thống, phần mềm quản lý dữ liệu khác nhau nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn khó khăn; hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn nhiều công đoạn thực hiện thủ công, dựa trên văn bản giấy; kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh còn thấp…
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh: Cà Mau quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội, trong đó có CĐS, coi đó là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Đề án thực hiện CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Cà Mau đề ra mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh; phấn đấu Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố CĐS thành công của cả nước.
Cà Mau cần phát triển hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình - một trong những nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS - cho rằng, công nghệ thông tin thường mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý, còn CĐS mang lại giá trị cho người dùng nên phải lấy người dùng làm trung tâm.
CĐS là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc, từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện, từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây, từ đầu tư sang thuê, từ sản phẩm sang dịch vụ.
Bộ trưởng khẳng định, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đóng vai trò quyết định sự thành công của CĐS và CĐS tạo ra khả năng sáng tạo cho từng người.
Bộ trưởng lưu ý, Cà Mau cần phát triển hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình (hiện chiếm 50,3%) vì đây là một trong những nền tảng quan trọng trong CĐS.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển đổi phần mềm quản lý đất đai mới cho tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp làm công nghệ thông tin phải tiếp sức cùng chính quyền thực hiện nền tảng cơ sở dữ liệu, để thúc đẩy sự phát triển của đất nước…
Ông Nguyễn Thanh Nhân - Chủ tịch UBND thị trấn Thới Bình (thứ 4, phải sang) trao quyết định cho đại diện 07 Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia chuyển đổi số. Ảnh: camau.gov.vn. |
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: Để thực hiện CĐS hiệu quả, hệ thống chính trị của tỉnh cần vào cuộc tích cực, khoa học và có trách nhiệm.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị từng cấp, từng ngành, cá nhân cần xác định lại trách nhiệm công việc của mình; Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh cần tính toán cụ thể công việc phải làm trên từng lĩnh vực. Qua đó góp phần dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào công cuộc CĐS của tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Chỉ đạo CĐS, các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xác định các điểm đột phá, những công việc cần triển khai ngay để CĐS của Cà Mau đi đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra./.
THÙY ANH