Đánh giá toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022

Chính trị - Ngày đăng : 16:05, 15/09/2022

(BKTO) – Đây là một trong những nội dung trọng tâm sẽ được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, diễn ra ngày 18/9 tới đây, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.


                
   

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: N.LỘC

   

Tại buổi họp báo về chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 diễn ra sáng ngày 15/9, Ban tổ chức Diễn đàn đã cung cấp thông tin chi tiết về sự kiện đến báo chí. Theo đó, Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu khai mạc. Diễn đàn còn có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế…

Tại họp báo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, là một hoạt động thường niên của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 được kỳ vọng bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó giúp các cơ quan chức năng có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh xã hội.... Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Diễn đàn cũng sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022; tham vấn ý kiến về các vấn đề “nóng” của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin tại buổi họp báo.
   Ảnh: N.LỘC

   

Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Diễn đàn Kinh tế năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh, song kết quả thu được từ Diễn đàn là rất lớn. “Diễn đàn đã góp phần trong việc tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn, qua đó giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong hai năm 2022-2023. Đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế” - ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đồng thời nhấn mạnh Diễn đàn lần này sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ Diễn đàn Kinh tế năm 2021 và có sự mở rộng về phạm vi, nội dung thảo luận bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo dự kiến, Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề. Cụ thể: Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chuyên đề 2 về thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
N.LỘC