Tăng cường thanh tra, kiểm toán lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, đất đai
Chính trị - Ngày đăng : 20:05, 15/09/2022
(BKTO) - Đây là một trong những kiến nghị được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra qua thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Sáng 15/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án.
Quang cảnh phiên họp sáng 15/9. Ảnh: VPQH |
Phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã khẳng định “công tác PCTN, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, trong đó, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).
Khái quát chung về kết quả PCTN, Chính phủ đánh giá, năm 2022, công tác PCTN, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá. Qua đón tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm thời gian qua là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác PCTN, tiêu cực.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, PCTN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ và cho rằng trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…
Cùng với đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Từ nhận định trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng...
Năm 2022, công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện; chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra. Trong đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 56.725,3 tỷ đồng; chuyển 09 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm Kiểm toán nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra tăng 225%. |
Đ. KHOA