Điểm chuẩn các trường kinh tế vẫn ở mức cao, ít biến động so với năm ngoái
Kinh tế - Ngày đăng : 03:06, 17/09/2022
(BKTO) - Sau 6 lần lọc ảo, từ chiều ngày 15/9 đến sáng ngày 16/9, các trường đại học đã đồng loạt công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022. Với nhóm trường đào tạo các ngành kinh tế, điểm chuẩn vẫn ở mức cao (từ 24 trở lên) và không biến động quá nhiều so với năm 2021.
Điểm chuẩn các trường kinh tế vẫn ở mức cao, ít biến động so với năm ngoái. Ảnh sưu tầm |
Năm 2022, trong 22 ngành và chuyên ngành mà Trường Đại học Thương mại đào tạo, tất cả đều lấy điểm chuẩn từ 25,8 trở lên. Ba ngành lấy 27 điểm - ngưỡng cao nhất của năm nay - gồm Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, còn lại phổ biến mức 26 điểm. Ngoàixét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định, căn cứ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), Trường còn xét học bạ, sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi với điểm thi hoặc điểm học bạ.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh. Đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, theo công bố của Trường, xét theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế tại trụ sở Hà Nội cao nhất (28,4 điểm), còn lại không dưới 27,5 điểm. Những tổ hợp còn lại có điểm chuẩn thấp hơn ngưỡng này 0,5 điểm.
Theo PGS,TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, Trườngcũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên, hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. Trường còn xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Kinh tế quốc dâncũng vừa thông báo ngưỡng trúng tuyển theo hai phương thức: điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và kết quả thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong đó, ngành Quan hệ công chúng là ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay, với 28,60 điểm, tăng 0,5 điểm so với năm 2021.
Cụ thể, xét phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng là 28,6 điểm. Các ngành có điểm chuẩn từ 28điểm trở lên còn có Marketing, Kinh doanh quốc tế (cùng 28 điểm), Thương mại điện tử (28,1 điểm), Kiểm toán (28,15 điểm), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (28,2 điểm).
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương cho biết, năm 2022, Trường tuyển sinh tổng cộng 6.100 chỉ tiêu, trong đó 35% chỉ tiêu dành cho cho phương thức xét tuyển thuần túy bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng),các ngành Kinh tế, Khoa học dữ liệu và Phân tích kinh doanh có chung mức điểm chuẩn là 24,5điểm
, trong khi ngành Kế toán, ngành Kiểm toán là 23,75 điểm. Ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là Quản trị khách sạn, Quản lý nhà nước với 23 điểm; ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Marketing với 26,5 điểm. Các mức điểm này cơ bản không có sự chênh lệch quá lớn so với năm 2021.
Theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minhlấy điểm cao nhất là 25,35điểm với ngành Quản trị Kinh doanh và thấp nhất là ngành Ngôn ngữ Anh với 22,56 điểm. Các ngành Kế toán, Tài chính Ngân hàng và Luật quốc tế có mức điểm chuẩn lần lượt là 25,15; 25,05 và 25 điểm.
Năm ngoái, ngành Quản trị Kinh doanh của Trường lấy điểm chuẩn cao nhất với 26,25 điểm, theo sau là ngành Kinh tế Quốc tế 26,15 điểm và Luật Kinh tế 26 điểm.
Tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, mặt bằng chung điểm chuẩn của các ngành Kinh tế, Quản lý công, Quản trị nhân lực, Luật Kinh tế đều từ 25-26 điểm trở lên. Các ngành đào tạo về kinh doanh, hướng đến các lĩnh vực của thị trường như: Kinh doanh quốc tế, Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh thương mại, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đầu tư, Bất động sản, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Tài chính quốc tế có điểm chuẩn ở tất cả các phương thức tuyển sinh giữ ổn định như năm 2021 hoặc tăng nhẹ. Cá biệt, ngành Kinh doanh nông nghiệp có điểm chuẩn tăng vọt lên 25,8 điểm so với mức 22 điểm của năm 2021./.
N.LỘC