Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 05:05, 17/09/2022
(BKTO) – Thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến, Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 19-22/9/2022; nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Dự án Luật Giá (sửa đổi); Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá).
Liên quan đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thiết kế gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại phiên họp cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra chiều 15/9, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Trong đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đ. KHOA