Tạo điều kiện tốt hơn cho các tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội

Kinh tế - Ngày đăng : 17:06, 17/09/2022

(BKTO) - Chiều 16/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.


                
   

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: mattran.gov.vn

   

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo cùng thành viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết: Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 10/01/2018 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Việc phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, an sinh xã hội, phòng chống đại dịch Covid-19... với sự giám sát, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, Mặt trận sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách...
                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: mattran.gov.vn

   

Bên cạnh đó, "việc hướng dẫn, tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia xã hội hóa, cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ giữa các tổ chức cung ứng khác nhau, thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động an sinh xã hội và người dân sẽ có lợi trong việc lựa chọn chất lượng các chủ thể tham gia cung ứng các loại dịch vụ này. Điều đó góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh" - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, đến nay, tổng số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia cơ sở khám, chữa bệnh: 13.027 người. Tổng số cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của tôn giáo là 283 cơ sở. Số lượt người được khám, cấp thuốc hằng năm tại các cơ sở Phòng chuẩn trị y học, y học cổ truyền của tôn giáo khoảng 14.233.253 lượt người... Tổng giá trị các hoạt động của tôn giáo hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm qua: 6.890,873 tỷ đồng.

Trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề, các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Cùng với đó, các tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động với đặc điểm riêng của tôn giáo như phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến" trong Phật giáo, phong trào xây dựng "Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu" trong Công giáo; phong trào "Nồi cháo tình thương" giúp đỡ bệnh nhân nghèo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo...

Từ thực tiễn và kết quả tham gia hoạt động an sinh xã hội thời gian qua,PGS,TS. Nguyễn Thanh Xuân - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Hội đồng tư vấn Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, trong thực tế, có hai lĩnh vực mà tôn giáo có nguồn lực, tiềm lực rất lớn là y tế và giáo dục. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khá dè dặt, e ngại.

Bởi vậy, cần phải thế chế hóa và có cơ chế hướng dẫn, điều chỉnh theo pháp luật để các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng là y tế và giáo dục. Theo đó, việc điều chỉnh Luật giáo dục và Luật Khám chữa bệnh phải cụ thể hóa điều này với các thông tư hướng dẫn, văn bản liên ngành để hướng dẫn, định lượng các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đặt vấn đề cần có những đổi mới về cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn cho tôn giáo tham gia hoạt động vì an sinh xã hội, TS. Hoàng Văn Chung - Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho rằng, cần bình thường hóa việc tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực dân sự: Làm kinh tế, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, các hiệp hội, DN, cơ sở kinh doanh do tôn giáo thành lập có thể tham gia các lĩnh vực này, bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.

Ở một góc nhìn khác, ThS. Hoàng Bá Hai - Phó vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận Trung ương - nhận định, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội trở nên khó khăn, thậm chí có lúc, có nơi là không thể.

Để khắc phục bất cập, ông Hoàng Bá Hai đề nghị Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được bổ sung theo hướng cụ thể, rõ các lĩnh vực mà tôn giáo được tham gia; đảm bảo đồng bộ với các luật chuyên ngành như Luật Dạy nghề, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Ông Hoàng Bá Hai cũng đề xuất phải nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị-xã hội các cấp với phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, MTTQ cần chủ động phối hợp cùng hệ thống chính trị trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội, hướng các hoạt động này theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, đi đúng mục đích, có hiệu quả cao và tuân thủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, đem lại lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội./.

THÙY LÊ