Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Kinh tế - Ngày đăng : 23:06, 17/09/2022

(BKTO) - "Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới" là chủ đề của Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức ngày 16/9.


                
   

Kết hợp các nhà máy năng lượng tái tạo với cơ sở sản xuất hydro xanh. Nguồn: Toshiba

   

Diễn đàn nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có nhiều đại sứ quán các nước như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Australia, Israel, Hoa Kỳ, Đan Mạch...

Diễn đàn là nơi chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, việc mở rộng công nghệ thúc đẩy giải pháp toàn cầu sử dụng tiết kiệm năng lượng là điều cần thiết để đảm bảo cam kết về khí hậu. Tại Việt Nam, Luật sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng chú trọng việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiên tiến, từng bước loại bỏ thiết bị lạc hậu.
                
   

Quang cảnh Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022. Ảnh: TTXVN

   

Các công nghệ được tập trung từ góc độ sản xuất điện năng (sử dụng khí thu hồi, tăng hệ số khai thác, tận dụng nguồn năng lượng sạch), chuyển tải phân phối (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, Big Data để giảm cường độ tiêu thụ, tận dụng khu vực năng lượng tiềm năng), hay chuyển đổi năng lượng (công nghệ làm mát, giải pháp tuần hoàn)...

Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021, Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không (0) vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã kiến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam tiết kiệm năng lượng và bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng.TS. Phạm Văn Long - Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản - cho biết nhiều giải pháp công nghệ của Nhật Bản mà Việt Nam có thể tiếp nhận như: Công nghệ điện tử công suất giúp giảm tiêu thụ năng lượng điện, công nghệ bộ biến đổi DC-AC cho hiệu suất trên 99%, công nghệ Hydrogen lưu trữ năng lượng... Qua hợp tác chuyển giao công nghệ, Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi các nghiên cứu mới.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị công nghệ ứng dụng trong nông - lâm - ngư nghiệp như chiếu sáng thông minh, làm mát hỗn hợp hay tuần hoàn khép kín thu hồi nguồn nhiệt, khí dư thừa để phát điện;giải pháp hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sóng biển; xây dựng hệ thống kiểm soát năng lượng tòa nhà thông minh dựa trên dữ liệu lớn (Big Data); sử dụng điện toán đám mây, giám sát quản lý năng lượng theo hướng bền vững...

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý đãthảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, trong đó nhấn mạnh đến các công nghệ nên được sử dụng; đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và đời sống xã hội...
         
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Diễn đàn năm nay được tổ chức theo hai phiên: Phiên đầu thảo luận và chia sẻ chính sách, cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26. Phiên 2 cập nhật thông tin và giới thiệu các xu hướng công nghệ mới giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.

THÙY LÊ