Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 18/09/2022
K(BKTO) - Giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới… là những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi tại Phiên hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022.
PGS, TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu tham luận tại Phiên Hội thảo chuyên đề. Ảnh: VPQH |
Gỡ khó trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ
Theo các đại biểu, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm.
PGS,TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. “Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 02/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350.000 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…" – ông Nguyễn Trúc Lê dẫn chứng.
Theo ông Nguyễn Trúc Lê, có 5 khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ này. Đó là doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin, điều kiện doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng; đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch.
Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể…
Để thúc đẩy các gói hỗ trợ, ông Nguyễn Trúc Lê kiến nghị, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.
Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ… Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế.
“Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể” - PGS, TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.
Đề cập đến tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, sau 3 tháng triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng. “Số liệu cũng còn khiêm tốn” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xác nhận.
Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ này, ông Phạm Thanh Hà cho biết, tới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp
Bên cạnh tăng khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh - sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Quang cảnh Phiên Hội thảo chuyên đề“Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”. Ảnh: VPQH |
Theo bà Thanh, trong điều kiện mới - phục hồi hậu Covid, năng lực cạnh tranh cần tính đến cách doanh nghiệp tiếp cận với tư duy phát triển bền vững, chắc chắn. Bên cạnh lợi nhuận thì các yếu tố ESG (môi trường – xã hội - quản trị) cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm.
Với quan điểm đó, Nhóm tư vấn của Deloitte đã nghiên cứu và chỉ ra 4 nhóm hành động thiết thực mà các doanh nghiệp nên thực hiện để đảm bảo tính hoạt động kinh doanh liên tục; liên tục ứng phó với các rủi ro bất ổn không chỉ bởi đại dịch mà trong mọi điều kiện, gồm: Các hành động cần ưu tiên cao để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì; Các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi; Các hành động mang tính chiến lược, dài hạn và Các hành động thực chất đến từ tư duy lãnh đạo doanh nghiệp về phát triển bền vững liên quan đến ESG.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững, bà Thanh cho rằng, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho rằng, cùng với việc tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, có biện pháp tháp gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp… thì giải pháp thiết thực và quan trọng nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động liên tục và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.
“Đây cũng là giải pháp căn bản lâu dài, hiệu quả nhất về chi phí, cũng là nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ đã giao các Bộ, ngành thực hiện liên tục từ năm 2014 đến nay. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố quan trọng trong đột phá thể chế. Đây cũng là một trong ba đột phá mang tính chiến lược cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới” – ông Nghĩa nêu rõ.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, thực tế có rất nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng hấp thụ vốn rất khó khăn, không hấp thụ được. Do đó, phải gỡ khó khăn trong hấp thụ vốn mới phục hồi phát triển được. Đồng thời, phải ổn định được lạm phát, giá cả, dự trữ ngoại hối dòng tiền; phối hợp tài chính tiền tệ, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tránh phát hành trái phiếu trong kho bạc…./.
ĐĂNG KHOA