Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn
Chính trị - Ngày đăng : 17:35, 19/09/2022
(BKTO) – Chiều 18/9, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022. Ảnh: VPQH |
Diễn đàn được tổ chức với Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 2 Phiên chuyên đề, có 44 ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, với hơn 450 đại biểu trung ương và địa phương, kết nối với 6 học viện và trường đại học. Đặc biệt, ghi nhận sau phiên làm việc buổi sáng, Diễn đàn lần này đã thu hút hơn 1 triệu lượt view và tương tác trên các nền tảng số.
Ứng xử một cách bình tĩnh và đi đúng “đường ray”
Điểm lại nội dung chính của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam và có sự thống nhất, đồng thuận cao.
Trong đó, về tình hình Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những đánh giá tương đối tích cực đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát thì lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 ở kịch bản thận trọng nhất được xác định có thể đạt trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ước đạt đạt 175 tỷ USD, gấp 2 lần GDP.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để có được những kết quả trên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở lớn lại chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, thiên tai…, Việt Nam đã có dự báo, phân tích, đánh giá tình hình và ứng xử một cách bình tĩnh và đi đúng “đường ray”. Các chính sách vĩ mô từ tài khóa đến tiền tệ, phối hợp với các chính sách thương mại và các chính sách khác đều đúng hướng.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc ban hành các Nghị quyết này là sản phẩm của sự bàn bạc kĩ lưỡng, hợp sức giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với đó là kết quả của Diễn đàn Kinh tế 2021. Các Nghị quyết đã tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Các gói chính sách hỗ trợ được thiết kế toàn diện cả về tài khóa và tiền tệ, tác động cả tổng cung và tổng cầu. Các chính sách được ban hành đúng lúc và kịp thời, thể hiện tinh thần tự tin đưa ra gói chính sách mới có sự tính toán chặt chẽ trên cơ sở dư địa và khả năng chống chịu của nền kinh tế…
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn, trong đó ghi nhận Chính phủ tích cực ban hành các chính sách, dù có những độ trễ nhất định nhưng khi chính sách ban hành đều được triển khai nhanh.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực
Lưu ý một số nội dung cụ thể qua các phiên thảo luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song cần có sự linh động, cần phải đánh giá được nguyên nhân thực trạng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan lưu ý để nghiên cứu phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến cho Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 thành công và thu hút được sự tham gia và theo dõi, tương tác của đông đảo đại biểu và người dân. Ảnh: VPQH |
Về gói tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô thì bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Đồng thời, cần tăng cường doanh thu dịch vụ gia tăng phi tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng..
Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thị trường bất động sản…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó, cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, một trong những kết quả đạt được tại Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Theo đó, về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch, liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại Diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn kết quả của Diễn đàn sẽ tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo và tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia, theo dõi của các cơ quan tổ chức trong nước, quốc tế. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến, phát hành kỷ yếu Diễn đàn để gửi đến các đại biểu, các cơ quan hữu quan làm thông tin tham khảo, căn cứ trong hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cả trong ngắn hạn và dài hạn./.
Đ. KHOA