Nâng cao hiệu quả bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành nhà máy của các doanh nghiệp ngành dầu khí
Kinh tế - Ngày đăng : 17:51, 19/09/2022
(BKTO) - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) vừa tổ chức Hội thảo “Kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ” vào ngày 16/9, tại TP. Vũng Tàu.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: PVFCCo |
Theo Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của PVFCCo, một định hướng phát triển quan trọng của PVFCCo trong lĩnh vực sản xuất là duy trì vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả các nhà máy đang vận hành.
Ông Lê Cự Tân, Tổng Giám đốc PVFCCo cho biết, từ khi đưa vào vận hành đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trải qua 7 kỳ bảo dưỡng tổng thể với thời gian giữa 02 kỳ bảo dưỡng tổng thể dao động từ 17 đến 28 tháng, giúp duy trì tình trạng vận hành ổn định của Nhà máy trong gần 20 năm.
Với mong muốn tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể để nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành, bảo dưỡng của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, PVFCCo đã giao Ban Kỹ thuật An toàn của Tổng công ty phối hợp với Nhà máy triển khai dự án kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận: đánh giá tổng quan hiện trạng công tác bảo dưỡng tổng thể của Nhà máy Đạm Phú Mỹ; công tác kiểm định thiết bị áp lực tại Nhà máy khí Nam Côn Sơn; công tác cải tiến để kéo dài chu kỳ và tối ưu bảo dưỡng tổng thể tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất; công tác lập kế hoạch bảo dưỡng tổng thể của Nhà máy đạm Cà Mau; nghiên cứu đề xuất, kiến nghị giải pháp kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác bảo dưỡng tổng thể của PVFCCo…
Đồng thời, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, kế hoạch, dự phòng thiết bị máy móc để duy trì vận hành nhà máy an toàn, tối ưu chi phí trong điều kiện chu kỳ bảo dưỡng tổng thể…
Theo đánh giá của PVFCCo, việc giãn chu kỳ bảo dưỡng tổng thể từ 2 năm/lần lên 3 năm/lần sẽ giúp Tổng công ty tiết giảm chi phí bảo dưỡng tổng thể hàng năm, đồng thời tăng thêm thời gian vận hành nhà máy.
Muốn vậy, cần phải tăng cường áp dụng biện pháp quản lý, kiểm soát và kiểm tra thiết bị; liên tục đánh giá tình trạng hệ thống, thiết bị để lên kế hoạch bảo dưỡng chủ động; thực hiện giải pháp và kế hoạch kiểm tra, kiểm định theo quy định.
Để tối ưu hoá công tác bảo dưỡng tổng thể, cần xây dựng quy trình bảo dưỡng tổng thể số hoá để ứng dụng tối đa việc số hoá, tự động hoá vào các công đoạn, thủ tục trong bảo dưỡng tổng thể; cải tiến phần mềm quản lý bảo trì từ khâu lập kế hoạch bảo dưỡng tổng thể...
Ông Đào Văn Ngọc - Phó Tổng Giám đốc PVFCCo đánh giá cao các ý kiến tại Hội thảo cũng như nội dung của các đề tài nghiên cứu trình bày tại Hội thảo. Các nhóm nghiên cứu cần căn cứ trên cơ sở vận hành và tình trạng máy móc thiết bị để xây dựng các kế hoạch bảo dưỡng ở những mốc thời gian phù hợp; làm rõ các nhóm giải pháp để thực hiện theo quy định; rà soát, đánh giá phần mềm quản lý bảo dưỡng, cải tiến việc sử dụng phần mềm quản lý bảo trì…/.
PHÚC KHANG